Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thăm “địa ngục trần gian” xưa

Đến thăm nhà tù Phú Quốc, huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang tận mắt chứng kiến hàng loạt mô phỏng về những cách thức tra tấn của thực dân đế quốc trong những năm tháng xâm lược, chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước những tội ác ẩn chứa đằng sau bức tường phủ kín bằng lớp thép gai chằng chịt dày xéo trên thân thể của những người yêu nước bị giam cầm nơi đây phải trải qua.

 

Phú Quốc những ngày trong giông bão, giữa tháng 7, khắp những con đường in hằn vết xe, kèm với đó là màu vàng úa của đất và chút vị mặn mòi của biển cả đặc trưng nơi đây. Theo kế hoạch, đoàn chúng tôi ghé thăm nhà tù Phú Quốc để tìm hiểu về một nhà tù khét tiếng, nơi giam cầm các chiến sỹ gan dạ đã anh dũng hi sinh góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Nơi đây đã chứng kiến hàng vạn các chiến sĩ cách mạng bị quân xâm lược giam cầm và tra tấn hết sức man rợn trong lịch sử đấu tranh giữ nước.

Nhà tù Phú Quốc đặt tại thị trấn An Thới (cực nam đảo Phú Quốc, Kiên Giang) hay còn được gọi là Nhà lao Cây Dừa. Với diện tích  khoảng 40 ha khoảng 13 phân khu và hàng trăm nhà giam. Lịch sử ghi lại, nơi đây, dưới những màn tra tấn tàn ác của quân địch là nơi ngã xuống của hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng. Đây là nơi giam giữ “cán binh cộng sản” lớn nhất miền Nam với hơn 32.000 tù binh, Có thời điểm lên tới 40.000 tù binh!

Dưới tiết trời âm u của đợt áp thấp nhiệt đới hiếm hoi nơi đây, cuối cùng chúng tôi cũng đã đặt chân tới nhà tù Phú Quốc. Hình ảnh về những bức tường bằng thép gai chăng chằng chịt với nhiều lớp và cách bố trí lính canh phòng cẩn mật cho thấy được phần nào lý do mà người ta đặt cho nơi đây cái tên là “Địa ngục trần gian”, bởi để đào thoát khỏi nơi đây thì gần như cầm chắc cái chết trong tay.

 

Nhà tù Phú Quốc được bao bọc bởi những hàng rào thép gai ken nhau nhiều.

 

Hình ảnh những tù binh, người nằm, người ngồi… đủ tư thế, chen chúc co quắp bên trong những lồng sắt “chuồng cọp” chỉ rộng chừng gần 2m2 với tấm thân trần phải gồng mình nằm trên nền đất lởm chởm sỏi đá, bị bỏ đói nhiều ngày dưới cái nắng đốt cháy da thịt như thiêu đốt của Phú Quốc.

 

Những tù binh bị giam trong chiếc chuồng cọp chỉ rộng chừng hơn 1m2 dưới cái nắng thiêu đốt và bị bỏ đói nhiều ngày.

Tiếp tục đi vào bên trong là hình ảnh chuồng cọp catso hay còn được gọi là phòng kỷ luật. Chiếc chuồng cọp catso này được làm bằng sắt bịt kín xung quanh đặt ngoài trời, trong đó người bị gian sẽ phải chịu cái nóng trong bóng tối và những mùi xú uế khi các tù binh tiểu tiện tại chỗ.

 

Hàng chục tù nhân bị giam cầm trong chiếc chuồng cọp đóng kín mít không có ánh sáng.

Và những hình ảnh ban đầu mà chúng tôi chứng kiến mới chỉ là bắt đầu cho hàng loạt những tội ác mà ở đó chúng thể hiện bằng những màn tra tấn hết sức rùng rợn: Những trận đòn roi trong suốt nhiều tháng liền; đóng đinh vào chân, tay; chôn sống; ném vào nước sôi; dùng gậy đánh vào đầu…

Rùng rợn với màn tra tấn "lộn vỉ sắt": các tấm vỉ sắt loại có lỗ tròn và đầy mấu để mắc vào nhau và lật ngửa làm "đường băng sân bay" rồi bắt tù binh cởi áo, cởi quần ngoài, chỉ còn chiếc quần đùi. người tù bị bắt cắm đầu xuống vỉ sắt lộn ra sau, sau vài lần là lưng người tù tóe máu, đầu bị bứt tóc, tróc da tơi tả; dùng bóng đèn công suất lớn để sát mặt người tù trong thời gian dài cho nổ con ngươi… 

Sau những màn tra tấn hết sức dã man, qua những hình ảnh mô phỏng dựa trên lịch sử để lại, là hình ảnh những người chiến sĩ trong những hoạt động sinh hoạt thường ngày: Biểu diễn văn nghệ, chạm trổ hoa văn trên nền đất… và cả những hoạt động kháng cự lại sự tàn ác của binh lính để bảo vệ đồng đội. Một ý chí kiên cường, không chịu khuất phục của người chiến sĩ cách mạng trong thời khắc sinh tử...

Đã xây dựng hẳn một hệ thống canh phòng cẩn mật, nhưng thực dân đế quốc và tay sai hẳn không ngờ đến việc tù binh vẫn có thể vượt ngục thoát ra bên ngoài. Đã có hàng trăm tù binh tổ chức những cuộc vượt ngục, trong đó phải kể đến cuộc vượt ngục lịch sử  của 24 tù binh cách mạng vào ngày 26/1/1969 bằng đường hầm được các người tù đào ròng rã trong suốt 4 tháng liền.

Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, nhưng những hình ảnh mà hàng vạn tù binh đã phải gánh chịu những cực hình trong suốt những năm tháng vẫn còn đọng lại trong ký ức, nỗi đau về sự mất mát trước tội ác ác của kẻ địch.

Nhà tù Phú Quốc đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia và năm 2015 được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Nơi đây được ví như tượng đài biểu tượng cho tinh thần hiên ngang vùng lên phá tan xiềng xích, chống lại mọi tội ác và mưu đồ của quân xâm lược.

Một số hình ảnh về tội tác qua những mô phỏng tại nhà tù Phú Quốc “Địa ngục trần gian”: