Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tham gia BHXH tự nguyện, ổn định cuộc sống nhờ lương hưu

Tham gia BHXH tự nguyện, nhiều người dân đủ điều kiện hưởng lương hưu có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, bảo đảm cuộc sống khi về già.

Bà Huỳnh Ngọc Huệ (xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết, đã 7 tháng kể từ ngày nhận Quyết định hưởng chế độ hưu trí từ cơ quan BHXH đến nay, bà đã có lương hưu hàng tháng và thấy yên tâm, bởi có một khoản thu nhập ổn định để lo cuộc sống.

Trước đây, bà Huệ làm giáo viên được 7 năm, vì nhiều lý do nên bà xin nghỉ. Rồi bà làm thời vụ tại Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex hết 4 năm. Sau đó, bà xin vào Công ty TNHH Hải sản Việt Hải làm công nhân, tham gia BHXH bắt buộc gần 14 năm. Đến tháng 9/2021, dù đủ tuổi nghỉ hưu nhưng bà Huệ chưa đủ điều kiện về thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng, bà quyết định nhận BHXH một lần. Hôm đến BHXH huyện Châu Thành A để giải quyết thủ tục, bà được viên chức BHXH huyện giải thích về quyền lợi khi nhận lương hưu hàng tháng và những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần. Lúc đó, bà cũng băn khoăn suy nghĩ, bởi nếu đóng thêm cho thời gian còn thiếu thì bà phải đóng thêm hơn 6 năm (73 tháng) tương đương khoảng 50 triệu đồng - một khoản tiền không nhỏ với gia đình. Song khi được giải thích rõ về quyền lợi khi nhận lương hưu, bà Huệ quyết định tham gia BHXH tự nguyện thêm 73 tháng nữa cho đủ thời gian theo quy định là 20 năm tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Bà Huệ chia sẻ: “Với tôi lương hưu nhiều hay ít đều quý. Đến nay, tôi đã nhận lương hưu được 7 tháng, mỗi tháng hơn 1,5 triệu đồng. Số tiền này tuy không nhiều nhưng giúp tôi trang trải cuộc sống, chủ động về kinh tế. Vui hơn nữa là tôi có thẻ BHYT miễn phí với mức quyền lợi hưởng 95%, nếu chẳng may ốm đau sẽ được BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh quyền lợi cao hơn tham gia BHYT hộ gia đình”.

Luong-Huu---Cau-Giay

Cũng được nhận lương hưu hàng tháng, ông Lê Công Cường, ở khu vực 6, phường IV, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) đã có thêm khoản thu nhập để lo cuộc sống. Trước đây, ông Cường làm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và tham gia BHXH bắt buộc trên 17 năm. Đến tuổi nghỉ hưu, nhưng ông còn thiếu 2 năm 7 tháng đóng BHXH theo quy định. Sau khi suy nghĩ kỹ và bàn bạc với gia đình, ông quyết định đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu. Sau khi hoàn thành thủ tục đóng tiền, ít ngày sau ông Cường nhận tháng lương hưu đầu tiên với số tiền hơn 1,5 triệu đồng. Ông Cường cho biết: “Hiện nay, cuộc sống gia đình cũng còn khó khăn, với khoản lương hưu này giúp tôi có thêm khoản thu nhập để lo cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, tôi còn được cấp thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe trọn đời”.

Ở tuổi 83, bà Phạm Thị Loan (TP Thái Bình) vẫn quyết định tham gia BHXH tự nguyện để làm gương cho con cháu. Bà Loan cho biết, tham gia BHXH tự nguyện là khi còn có sức khỏe để lao động, có thu nhập mình tích lũy “của để dành” để sau này khi về già có lương hưu hằng tháng và cấp thẻ BHYT đi khám chữa bệnh. “Tôi năm nay 83 tuổi vẫn quyết định tham gia để làm gương cho con cháu, hơn nữa khi tham gia BHXH tự nguyện chẳng may qua đời thì con cháu cũng được nhận tiền từ tuất, nếu tôi tham gia được 5 năm trở lên thì còn có chế độ trợ cấp mai táng phí của Nhà nước, chính sách BHXH tự nguyện hết sức nhân văn đối với mọi người dân”, bà Loan nói.

Về xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nhắc đến bà Nguyễn Thị Thu Cống, nguyên Chủ tịch hội nông dân xã, hiện đang làm trưởng thôn Ngòi Hóp, xã Báo Đáp và đồng thời là nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT ai cũng biết, bởi bà là người năng nổ, nhiệt tình trong công tác hội và phong trào tại địa phương. Với niềm tin mãnh liệt vào những chính sách an sinh xã hội ưu việt của Nhà nước, bà Cống luôn kiên trì giúp người dân hiểu được các chính sách, mang lại lợi ích lớn cho những người lao động tự do, đến tận nhà hội viên tư vấn, chia sẻ tới cán bộ, hội viên hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đặc biệt bà biết lựa chọn những người tiềm năng, sắp xếp thời gian hợp lý đến vận động, tuyên truyền trực tiếp tại gia đình. “Với những người cao tuổi động viên tham gia BHYT để được giảm chi phí KCB. Những người đang trong độ tuổi lao động nên tham gia 2 loại hình BHYT và BHXH tự nguyện, vừa được giảm chi phí khi KCB, sau này về già có lương hưu, lại được cấp thẻ BHYT miễn phí. Vận động một người dân tham gia BHXH tự nguyện khó một, nhưng để duy trì bền vững còn khó gấp nhiều lần. Vì vậy, bà luôn đặt tiêu chí "tư vấn chăm sóc khách hàng” nhiệt tình, chu đáo để người dân luôn luôn tin tưởng”- bà Cống nói.

BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Tham gia BHXH tự nguyện, người dân được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất,...  Vì vậy, để người dân hiểu rõ lợi ích của chính sách này, toàn hệ thống BHXH Việt Nam, các ngành và địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia BHXH tự nguyện. Từ sự tuyên truyền tích cực đó đã có nhiều người chọn phương thức đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu, có cuộc sống ổn định khi về già.