Sản xuất giày da tại Công ty TNH Giày dép Vĩnh Phong TP HCM
Theo ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), với việc tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ tạo thêm từ 16.500 - 27.000 việc làm/năm, tính từ năm 2020 trở đi. Đối với việc tham gia Hiệp định EVFTA, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 18.000 - 19.0000 việc làm/năm. Ông Vinh cũng dự đoán, việc tham gia Hiệp định RCEP cũng có thể giúp Việt Nam tạo thêm từ 13.700 - 15.000 việc làm/năm. Như vậy, các Hiệp định này sẽ tạo ra nguồn việc làm đáng kể, tới khoảng 50.000 - 60.000 việc làm mỗi năm mới cho Việt Nam, chưa kể các hiệp định song phương khác. Các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, chế biến thực phẩm và đồ gỗ sẽ được hưởng lợi nhiều. …
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động có lợi khi tham gia các Hiệp định thương mại, lao động Việt Nam cũng sẽ gặp không ít thách thức. Với việc tham gia CPTPP, các luồng đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng năng suất lao động, thu hút nhiều hơn lao động có kỹ năng. Tuy nhiên, dưới tác động của hiệp định thì phân hóa tiền lương sẽ diễn ra nhiều hơn, đặc biệt giữa các doanh nghiệp FDI, giữa lao động có trình độ cao và trình độ thấp. Điều này sẽ đặt ra thách thức cần điều chỉnh trong các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề và an sinh xã hội.
Riêng đối với những lo ngại về việc có cơ hội việc làm được tạo ra song sẽ có việc làm bị suy giảm, ông Vinh khẳng định các kịch bản nghiên cứu đều cho thấy phần lớn các quan hệ thương mại giữa các hiệp định đều có tính chất bổ sung cho nhau, do đó những tác động trực tiếp đến giảm hoặc mất việc làm là không nhiều. Song, theo ông Vinh, thách thức lớn nhất đặt ra vẫn là có tận dụng được các cơ hội hay không, chẳng hạn có thể tạo ra 10.000 việc làm nhưng do năng lực của chúng ta chỉ đáp ứng được 5.000 thì một nửa việc làm còn lại sẽ bị bỏ phí.