Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Thảm họa mang tên pháo tự chế hoành hành trước thềm Tết Nguyên Đán 2020

Mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có liên tiếp những trường hợp gặp tai nạn thương tâm do sử dụng pháo tự chế.

Bé trai 13 tuổi bị cháy trụi lông mi, bỏng mắt nặng, suy giảm thị lực do pháo tự chế phát nổ

Mới đây, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận một bé trai 13 tuổi nhập viện trong tình trạng 2 mắt bị tổn thương nặng với lông mi cháy trị, bỏng da mi độ I, bỏng kết giác mạc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bé đã tự chế pháo nổ tại nhà.

Thảm họa mang tên pháo tự chế hoành hành trước thềm Tết Nguyên Đán 2020 - Ảnh 1.

Theo đó, bé trai lên mạng tìm video hướng dẫn làm pháo, sau đó tự mua hóa chất về chế pháo. Bé trộn 2 loại hóa chất lưu huỳnh và KCLO3 (mua giá 10.000-12.000 đồng một túi nhỏ) với than hoa làm pháo nổ và đốt thử bằng bật lửa. Ngọn lửa bùng lên, chất nổ bắn vào mặt bé, cả 2 mắt rát cộm, đau, không mở được. Bé rửa mặt nhưng không bớt đau rát nên được người nhà đưa đi cấp cứu.

Nhập viện, bé được các bác sĩ chẩn đoán cả hai mắt bị bỏng da mi độ I, bỏng kết giác mạc độ I, thị lực hai mắt 7/10. Bé phải dùng thuốc kháng sinh, tăng cường dinh dưỡng giác mạc, băng mắt, theo dõi điều trị tại khoa Mắt.

Thiếu niên 14 tuổi bị thương tích nặng ở bàn tay sau khi châm lửa pháo nổ tự chế

Ngày 14/1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai đang điều trị cho Lê Như Hiếu (14 tuổi, ngụ xã Tân An, huyện Đắk Pơ) bị thương do pháo nổ. Theo đó, tối hôm trước, Hiếu tự chế pháo bằng bột diêm. Sau khi châm lửa, quả pháo nổ trên tay thiếu niên này.

Thảm họa mang tên pháo tự chế hoành hành trước thềm Tết Nguyên Đán 2020 - Ảnh 3.

Hiếu được gia đình đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Pơ. Do thương tích nặng nên bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị. Vụ nổ khiến Hiếu bị thương ở bàn tay trái, mặt và mắt.

Thiếu niên 15 tuổi phải cắt cụt bàn tay do pháo nổ tự chế

Ngày 9/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp người bệnh N.H.Đ.D. (15 tuổi) đến từ Hải Dương, nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc pháo.

Theo đó, D. đã xem cách chế thuốc nổ trên Youtube sau đó lên mạng tìm mua thuốc nổ tự chế KCl03, lưu huỳnh về làm theo. Trong quá trình nghiền, thuốc phát nổ bất ngờ khiến cho D. bị chấn thương nghiêm trọng.

Thảm họa mang tên pháo tự chế hoành hành trước thềm Tết Nguyên Đán 2020 - Ảnh 4.

D. nhập viện với đa chấn thương: Dập nát cẳng bàn tay phải, vết thương cẳng tay trái, đứt gân duỗi cổ tay quay và đa vết thương phần mềm cẳng chân hai bên. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay phải đồng thời cắt lọc, nối gân, làm sạch và khâu vết thương phần mềm.

Quý ông 44 tuổi nhập viện với cánh tay thương tích, dị vật cắm do pháo nổ tự chế

Cũng vào khoảng đầu tháng 1 năm nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mới tiếp nhận trường hợp người đàn ông 44 tuổi (Hà Nam) nhập viện với nhiều thương tích do pháo tự chế. Theo lời kể của người nhà, ông K đã mua pháo nổ tự chế để về sử dụng. Trong quá trình sử dụng, pháo nổ bất ngờ gây nhiều thương tích.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có nhiều vết thương dập nát và dị vật vùng cánh tay, chấn thương phức tạp vùng mặt, 2 mắt nề, rách da mi, bờ mi phức tạp, đứt lệ quản, kết mạc phù nề, rất nhiều dị vật sâu trong mắt.

Thảm họa mang tên pháo tự chế hoành hành trước thềm Tết Nguyên Đán 2020 - Ảnh 6.

Vì một cái Tết an yên cho chính mình và người thân, hãy chấm dứt ngay trò chơi pháo nổ tự chế!

Dường như cứ dịp cận Tết năm nào, cả nước cũng đều có ghi nhận người bị thương tật do dùng pháo tự chế. Mặc dù vậy, dường như người dân vẫn còn dửng dưng. Nhiều người vẫn chỉ vì một phút ham vui với mặt hàng cấm này mà không hay để ý những nguy hại khôn lường ở phía sau.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), ngoài hệ lụy cháy nổ, gây mất an toàn, những loại pháo đốt này còn có nguy cơ gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe con người. Và nguy hại sức khỏe này không chỉ cho người đốt pháo mà còn cả những người sống xung quanh. Khi đốt pháo trong không gian hẹp như phòng kín, nhà ở… sẽ gây ảnh hưởng đường hô hấp tùy thuộc vào thành phần cấu tạo nên pháo nổ.

"Trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh, khi tiếp xúc gần và pháo phát nổ rất dễ gây tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực… Vùng tổn thương có thể bị phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Nhất là khi pháo nổ có trộn hợp chất nitrat với cacbon và phốt pho, khi đốt cháy sẽ sinh ra một hợp chất gây khó thở cho người hít phải ", chuyên gia cho hay.

Do đó, vì một cái Tết đoàn viên, hạnh phúc viên mãn, hãy tránh xa trò chơi vốn được liệt kê trong danh mục cấm của quốc gia ta ngay từ bây giờ, tránh những hậu quả đáng tiếc!