Tránh việc dùng tiền thoát án tử hình
Đây là vấn đề tiếp tục làm nóng nghị trường. Với trường hợp miễn tử hình khi khắc phục hậu quả, nộp tiền, UB Tư pháp cho rằng, việc bổ sung quy định không thi hành án tử hình trường hợp nêu trên cần cân nhắc kỹ, vì thực tiễn thi hành án không có vướng mắc. Nếu cần thiết phải bổ sung điều kiện này để giảm án tử hình trên thực tế thì cần có sự phân hóa, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh xu hướng mọi trường hợp đều có thể dùng tiền để thoát án tử hình.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: "Những người có chức vụ, quyền hạn phạm tội phải xử lý nghiêm"
Cùng xu hướng chuyển đổi hình phạt, cơ quan soạn thảo cũng sửa quy định về hình phạt tiền áp dụng đối người chưa thành niên theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu họ có thu nhập hoặc tài sản riêng nhằm đa dạng hóa chế tài không giam giữ áp dụng đối với đối tượng này, góp phần khắc phục tình trạng bất cập hiện nay của BLHS hiện hành là nếu họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có khả năng phải vào tù hoặc trường giáo dưỡng (Điều 98).
Quan điểm bỏ 7/22 tội danh có quy định hình phạt cao nhất đến tử hình trong Bộ luật Hình sự hiện hành, được cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng ý. Với nhóm tội phạm về kinh tế, các cơ quan thống nhất quan điểm bỏ một tội danh trong nhóm này, đó là tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 – Bộ luật hình sự hiện hành).
Để xử lý được tội danh này, theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, cần cụ thể hóa các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế , “nếu bỏ tội danh này thì có những trường hợp phạm tội chúng ta không thể xử lý được và như vậy sẽ bỏ lọt tội phạm”- ông Cường nói. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong UB tán thành với đề xuất bỏ tội danh “cố ý làm trái” này.
Cần xử lý nghiêm những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Trình bày tờ trình về Dự thảo BLHS, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay, trong quan điểm mới của Đảng và Nhà nước ta về chính sách hình sự mà BLHS cần phải thể chế hóa, là phải xử lý nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. “Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác”, ông Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường: "Với nhóm tội về tham ô tài sản và tội nhận hối lộ là hai tội đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất chưa thể bỏ hình phạt tử hình"
Bên cạnh bỏ tử hình 7/22 tội danh, với ý kiến đề nghị bỏ tử hình thêm với 3 tội danh khác, chưa nhận được sự đồng thuận cao. Cụ thể, với đề xuất bỏ hình phạt tử hình với nhóm tội về tham nhũng, chức vụ, tờ trình do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường ký nêu nhận định, việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ - hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất là chưa phù hợp, dễ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng, sẽ không được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tán thành với lập luận trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, trong khi nhóm tội chủ thể khác đều được sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt, thì nhiều tội danh mà chủ thể phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn lại được sửa đổi, bổ sung theo hướng làm nhẹ hơn tính chất hành vi phạm tội.
Ông Hiện phân tích: “Tình trạng người có chức vụ quyền hạn phạm tội trong khi thi hành công vụ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, thời gian qua gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Ví như các vụ Công an đánh chết người vi phạm giao thông, người bị tạm giữ tại nhiều địa phương… đòi hỏi phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc để ngăn ngừa”- ông Hiện nói.
Nhiều ý kiến cũng đồng thuận, cho rằng, việc sửa đổi BLHS lần này phải bảo đảm nguyên tắc: chức vụ càng cao mà phạm tội, thì phải chịu hình phạt cao. Do đó các ý kiến đều chung quan điểm, cần rà soát, chỉnh sửa Dự thảo luật cho phù hợp với nguyên tắc trên.