Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất khó chịu

“Các bác cứ yên tâm, không bao giờ có chuyện nhụt chí, cũng không bao giờ chùng lại, chùng xuống. Tôi đã nói rồi, ai nhụt chí thì đứng sang một bên để người khác làm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh với cử tri về quyết tâm phòng chống tham nhũng khi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và quận Tây Hồ (Hà Nội), sáng 24/11.

 

 

               Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định Trung ương không bao giờ nhụt chí chống tham nhũng

 

Ghi nhận các ý kiến ngắn gọn, sâu sắc, tâm huyết của cử tri, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, kỳ họp thứ 6 là một trong những kỳ để lại dấu ấn tốt đẹp, với nhiều nội dung nhạy cảm, phức tạp nhưng được trao đổi dân chủ, thẳng thắn. Phiên chất vấn với nhiều đổi mới nhưng thống nhất rất cao. Kỳ họp chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng kết quả lại rất cao, do được chuẩn bị tốt, trình độ của ĐBQH cũng ngày càng được nâng lên và có sự đổi mới mạnh.

Trước việc cử tri tiếp tục đề nghị "làm quyết liệt hơn công tác phòng, chống tham nhũng", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ "không có kỳ tiếp xúc nào cử tri không đề cập đến vấn đề này, chứng tỏ đây vẫn là vấn đề lớn, được nhân dân rất quan tâm".

Theo ông, hiện nay, công cuộc phòng chống tham nhũng đã có sự vào cuộc của cả hệ thống, "không một mình ai làm được cả, sở dĩ tôi nói hình ảnh lò nóng lên rồi là tất cả đều vào cuộc, khâu nào yếu là phải chỉnh ngay, mắt xích nào hỏng phải thay ngay; đây là bài học thành công và từ đây sẽ làm tiếp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, nếu đi vào vấn đề cụ thể thì rất nhiều, cùng một lúc phải làm rất nhiều việc. Do vậy, cần phải bình tĩnh, làm từng việc. Làm bước nào chắc bước đấy, thì mới làm bước sau.

Từ việc xử lý những vụ án vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho đó là bài học rút ra để làm tiếp các vụ khác. “Các bác cứ yên tâm, không bao giờ chùn lại, chùng xuống hay mệt mỏi đâu. Tôi đã nói rồi, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Tuy nhiên theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, phòng chống tham nhũng phải có phương pháp, cách làm chứ không phải hăng hái, quyết liệt mà được.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nếu thiếu luật pháp thì phải bổ sung luật pháp và cũng phải có quy chế để ngăn ngừa, răn đe, cảnh tỉnh, để không xảy ra là càng tốt, chứ để xảy ra rồi mà đi chữa cháy thì chưa chắc đã hay.

“Phòng chống tham nhũng, các bác cứ yên tâm, Trung ương không bao giờ nhụt chí đâu! Cả Trung ương nhất trí cao như thế, Quốc hội thống nhất cao, lòng dân như thế, quốc tế phải thừa nhận đánh giá cao chỗ này”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Bên cạnh các vụ án lớn, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng phải tập trung chống tham nhũng vặt vì "nó như ghẻ ruồi rất khó chịu". 

"Đến cửa nào cũng phải tiền, không có tiền không trôi. Bôi trơn mà! Xin giấy tờ học hành cho con, cho cháu, chuyển chỗ nọ chỗ kia, thích thì cấp cho ngay hoặc có phong bì sẽ được nhanh, không có thì ông ấy cứ ngâm đấy, khó chịu lắm và hư hỏng cán bộ", ông nói và khẳng định đây không phải chuyện nhỏ. 

 

 

            Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng kỷ luật một người là để cứu muôn người

 

Một số cử tri đã nêu vấn đề về "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Trả lời nội dung này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định đây là vấn đề vô cùng hệ trọng vì phải ổn định chính trị thì đất nước mới phát triển. "Tại sao Trung ương nói chống tự diễn biến, tự chuyển hóa từ trong nội bộ? Nhân đây báo cáo với các cử tri vì sao kỷ luật ông Chu Hảo?", ông nêu vấn đề.

Theo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tự diễn biến, tự chuyển hóa diễn ra trong mỗi con người và có thể "biến mình thành người khác lúc nào không biết, lái con đường của chúng ta đi vô cùng phức tạp".

Ông  nói, các cán bộ, đảng viên nói chung về cơ bản là rất tốt rồi, nhưng không phải không có người "cậy mình chút công lao để sinh ra kiêu ngạo, muốn nói gì thì nói, nói trái Điều lệ, nói trái Cương lĩnh. Như vậy người đó có còn là đảng viên nữa không?".

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho hay, vừa rồi cơ quan có thẩm quyền cũng đã khai trừ ra khỏi Đảng một vài trường hợp khác; "bất cứ ai nếu có suy thoái thì phải giáo dục, uốn nắn, nhưng cũng phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người, để người khác đừng phạm vào nữa".

"Nếu cậy mình thế này thế nọ, là công thần rồi phê phán hết cả, phơi bày hết cả thì chế độ này sẽ ra sao? Chính trị suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.