Hội thảo nhằm tham kiến các đóng góp để khởi động cho chuỗi các hoạt động xây dựng văn kiện "Phát triển công tác xã hội trong ASEAN " do Việt Nam chủ trì và dự kiến được đệ trình lên các Nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua trong năm 2020.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm thu thập thông tin của các bên liên quan trong nước làm tiền đề cho việc xây dựng Văn kiện khu vực, tập trung vào: thảo luận về các xu hướng phát triển nghề công tác xã hội hiện nay ở cấp quốc gia và khu vực; những chính sách và chương trình hiện nay của Việt Nam liên quan đến nghề công tác xã hội; khó khăn, thách thức cùng những cơ hội; và các giải pháp đề xuất phát triển công tác xã hội trong tương lai.
Từ chủ đề lớn, hội thảo được triển khai làm 3 phiên thảo luận với các nội dung sát thực: Tổng quan về phát triển công tác xã hội toàn cầu và thực trạng công tác xã hội ở Việt Nam; Tình hình triển khai công tác xã hội ở các lĩnh vực cụ thể; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và các kỳ vọng hướng tới xây dựng Tuyên bố về phát triển Công tác xã hội.
Theo đó, nội dung các tham luận tập trung các chủ đề như: những vấn đề đặt ra cho công tác xã hội trong cộng đồng Asean; lịch sử hình thành và phát triển Công tác xã hội ở Việt Nam; những vấn đề lý thuyết và thực hành Công tác xã hội đương đại trên thế giới và Việt Nam; xây dựng và thực thi chính sách trong Công tác xã hội và an sinh xã hội ở các nước Asean…
Trên cơ sở thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, bà Lê Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (UNICEF) nhấn mạnh, ở nước ta cần thiết phải có một Luật chung, khung để điều chỉnh về nghề Công tác xã hội và Luật chuyên ngành quy định nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm hoặc thẩm quyền của cán bộ, nhân viên công tác xã hội trong các luật cụ thể...
Trong đó, Luật khung về nghề Công tác xã hội cần quy định cụ thể về khung pháp lý chuẩn hóa nghề Công tác xã hội; có những chính sách quy định ở tầm luật liên quan đến vị trí, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của các Trung tâm Công tác xã hội, trình tự thủ tục cung cấp dịch vụ Công tác xã hội và những quy định về thẩm quyền của cán bộ, nhân viên Công tác xã hội trong việc giải quyết các vụ việc.
Cho biết về tổng quan về nghề Công tác xã hội, TS. Nguyễn Hải Hữu, Phó chủ tịch Hiệp hội dạy nghề và Nghề Công tác xã hội Việt Nam đánh giá, nhận thức, hiểu biết về nghề công tác xã hội đã có bước chuyển biến căn bản, đặc biệt là độ ngũ cán bộ cốt cán của ngành Lao động Thương binh và Xã hội, các hội, đoàn thể đã hiểu rất tốt về công tác xã hội. Trong giia đoạn vừa qua, hầu hết các tỉnh, thành phố đã xây dựng và trienr khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát trienr nghề công tác xã hội giai đoạn 2010- 2020.
Cũng theo ông Hữu, các chính sách ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng; Đối tượng được trợ giúp từng bước được mở rộng đáp ứng với bức xúc của thực tế. Cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.
"Hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên công tác xã hội làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội, y tế ngày càng được mở rộng; Chương trình đào tạo công tác xã hội cũng đang được thực hiện ở 57 cơ sở giáo dục bao gồm các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, tăng mạnh so với năm 2010 khi đó mới chỉ trường đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề công tác xã hội. Cùng với đó, các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ phát triển nghề công tác xã hội trên nhiều lĩnh vực. Tóm lại, Việt Nam có bước phát triển đột phá về nghề công tác xã hội trong 9 năm qua", ông Hữu nhấn mạnh.
Tuy thế, theo ông Hữu, vẫn còn một số hạn chế như khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội chưa được xác định cụ thể.
Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, tính xã hội hóa chưa cao, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức ngoài công lập. Các dịch vụ công tác xã hội chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chưa dựa vào cộng đồng…
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội còn mỏng, chưa chuyên nghiệp.
Nhấn mạnh việc cần thiết phải ban hành một văn bản ở tầm luật về nghề Công tác xã hội, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) Tô Đức khẳng định, phải được quy định ở tầm luật thì mới bảo đảm cho người làm nghề CTXH có đầy đủ hành lang pháp lý, đảm bảo phát triển chuyên nghiệp. Để làm tốt điều này, cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế.
Ngày nào mà nhân viên CTXH còn yếu thế, chưa được xác định, được luật hóa thì công việc còn kém hiệu quả. Tính chuyên nghiệp của Công tác xã hội không riêng Việt Nam, mà là vấn đề mà trong ASEAN, một vài nước vẫn đang phải bàn tới- ông Tô Đức cho biết.
Tham gia bình luận và trao đổi những vấn đề đặt ra, các chuyên gia và đại biểu đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chính sách an sinh xã hội đối với người dân, vai trò Công tác xã hội trong các lĩnh vực bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, các nhóm đối tượng người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, người dân tộc thiểu số, đạo đức nghề nghiệp Công tác xã hội .
Bên cạnh đó, các ý kiến trao đổi khẳng định, quá trình hội nhập sâu rộng vào thế giới nói chung và khu vực Asean nói riêng, phát triển Công tác xã hội ở Việt Nam cũng cần phải quan tâm, phát triển chuyên nghiệp hơn để hướng đến sự phát triển bền vững.