Tham dự Hội thảo có ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), Lãnh đạo Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục; đại diện Vụ Pháp chế thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện Văn phòng Giới sử dụng lao động thuộc VCCI, ông Phan Chính Thức, chuyên gia giáo dục nghề nghiệp, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; ông Martin Hoppe, Tham tán Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, bà Barcucci Valentina, Phó Giám đốc ILO tại Hà Nội, bà Britta Van Erckelens, Phó Giám đốc Chương trình đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam, ông Torben Schuster, tư vấn trưởng, Bộ Giáo dục Đan Mạch, bà Trần Lê Hà, Phó Giám đốc Tổ chức Giáo dục quốc tế Úc tại Hà Nội, bà Sakiko Tanaka, cán bộ cấp cao, Ngân hàng phát triển châu Á, ADB.
TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên đã trình bày những nét chính về quá trình sửa đổi Bộ Luật lao động, theo đó, tiến trình soạn thảo Bộ Luật lao động sửa đổi đã được thực hiện đầy đủ các bước từ việc thành lập ban soạn thảo, đánh giá tác động của chính sách mới, xây dựng các tài liệu hỗ trợ, hồ sơ của dự án Bộ Luật lao động sửa đổi, rà soát lại và đơn giản các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động, báo cáo đánh giá lồng ghép các vấn đề, đặc biệt là vấn đề về giới,… Ngoài các vấn đề chung của Bộ Luật lao động sửa đổi, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tập trung rà soát kỹ, đánh giá và bổ sung những nội dung quy định về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề trong Bộ Luật lao động sửa đổi. Tổng cục đã phối hợp với Chương trình đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam – GIZ, tổ chức ILO tổ chức hội nghị tham vấn với một số doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trên cơ sở rà soát lại các nội dung về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề để có đề xuất ban đầu về sửa đổi bổ sung các dung dung về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề trong Bộ Luật lao động sửa đổi.
Hội thảo đã dành nhiều thời gian để các chuyên gia, cán bộ quản lý, đại diện một số cơ quan tổ chức quốc tế tại Việt Nam trình bày về nhiều nội dung liên quan đến nội dung bao quát trong Bộ Luật lao động sửa đổi nói chung và vấn đề đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nói riêng. Cụ thể, TS Phan Chính Thức, chuyên gia giáo dục nghề nghiệp trình bày các căn cứ và chủ đề ưu tiên của DVET trong Bộ Luật lao động liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề, ông Nguyễn Trọng Triệu, Trưởng bộ phận chương trình, Văn phòng ILO tại Hà Nội trình bày nội dung cập nhật về hoạt động của ILO trong sửa đổi Bộ Luật lao động bao quát các vấn đề chuyên môn trong Bộ Luật lao động, bà Britta Van Erckelens, Phó Giám đốc Chương trình đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam trình bày về các điều kiện cần thiết và cơ chế cho tham gia của khối kinh tế vào giáo dục nghề nghiệp trong Bộ Luật lao động sửa đổi, ông orben Schuster, tư vấn trưởng, Bộ Giáo dục Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và cho ý kiến đề xuất một số nội dung trong Bộ Luật lao động sửa đổi như: Cần rà soát lại các định nghĩa, thuật ngữ vì điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các điều khoản quy định liên quan trong trong Bộ luật; dự thảo sửa đổi cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo thường xuyên ở tất cả các khâu từ xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh gia thông qua các cơ chế cụ thể như hội đồng từ vấn nghề ở cấp trường và hội đồng kỹ năng ngành; làm thế nào để nhấn mạnh vai trò của các hội đồng kỹ năng ngành trong việc kết nối các bên liên quan tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp; người sử dụng lao động và cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên ký kết hợp đồng đào tạo khi hợp tác đào tạo, các nội dung liên quan đến hợp đồng đào tạo cần quy định cụ thể trong Bộ Luật lao động; trong việc hợp tác đào tạo, người sử dụng lao động cần cung cấp, chỉ định người đào tạo tại doanh nghiệp có đủ năng lực,..
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng cho biết việc thu hẹp khoảng cách và tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một thách thức mà ngành giáo dục nghề nghiệp đang và sẽ tập trung tháo gỡ. Phó Tổng Cục trưởng ghi nhận những ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm sau sắc, quý báu từ các chuyên gia trong nước, quốc tế và kỳ vọng trong thời gian tới sẽ được tham vấn, trao đổi sâu hơn nữa từ các chuyên gia. Mục đích cuối cùng là để hình thành một khung pháp lý trong Bộ Luật lao động sửa đổi tạo điều kiện để các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo gắn kết hợp tác góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giải quyết khâu việc làm cho người lao động.
Theo Phương Minh/Baodansinh.vn