Vào thời nhà Hồ, thần cơ sang pháo và cổ lâu thuyền được coi là hai phát minh lớn về vũ khí do Hồ Nguyên Trừng - con trai cả của vua Hồ Quý Ly và là anh của vua Hồ Hán Thương sáng chế.
Kiểu đại bác đầu tiên của nước ta
Thuốc súng xuất hiện ở nước ta khá sớm, được sử dụng trong các lễ hội và cả trong quân sự. Từ cuối thế kỷ 14, quân đội Đại Việt đã được trang bị, sử dụng hoả khí phổ biến và có hiệu quả.
Thần cơ sang pháo của Hồ Nguyên Trừng là kiểu đại bác đầu tiên của người Việt. |
Thời ấy, đầu thế kỷ 15, do yêu cầu chống giặc ngoại xâm, muốn có nhiều súng trang bị cho các thành trì và các hạm đội, Hồ Nguyên Trừng đã phải gấp rút tổ chức những xưởng đúc súng lớn. Ông đã đúc kết những kinh nghiệm cổ truyền, trên cơ sở đo, phát minh, chế tạo ra nhiều loại súng có sức công phá sấm sét.
Từ việc cải tiến súng, chế thuốc súng, hiểu rõ sức nổ của thuốc đạn, Hồ Nguyên Trừng phát minh ra phương pháp đúc súng mới gọi là súng "thần cơ" - kiểu đại bác đầu tiên ở nước ta. Đây là loại súng có đầy đủ các bộ phận cơ bản của loại súng thần công ở những thế kỷ sau này.
Loại súng này sử dụng đạn đúc bằng chì, gang hoặc đá, có sức xuyên và công phá tốt, hiệu quả sát thương và uy hiếp tinh thần quân địch rất cao. Cấu tạo súng thần công bao gồm: thân súng dài 44 cm, nòng súng dài 5 cm, trục quay, thước ngắm, lỗ điểm hỏa, khối hậu. Nòng súng là một ống đúc bằng sắt hoặc bằng đồng. Phía đuôi súng được đúc kín có bộ phận ngòi cháy ở chỗ nhồi thuốc nổ. Đạn pháo là mũi tên bằng sắt lớn. Khi bắn, người ta nhồi thuốc súng vào phía đáy, rồi đặt mũi tên vào giữa và nhồi loại đạn ghém bằng sắt và chì.
Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn viết: con trai của Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng đã sáng tạo ra phương pháp làm súng “thần cơ thương pháo”. Loại súng này có nhiều cỡ: lớn thì kéo xe, nhỏ thì dùng giá đỡ hay vác vai... Súng có ba loại: súng lớn đặt trên lưng voi, súng nhỏ hai người khiêng, súng nhỏ vác vai... Tuy nhiên, Hồ Nguyên Trừng chú trọng chế tạo loại thần cơ lớn gọi là “thần cơ pháo” - thực chất là súng thần công cỡ lớn được đặt cố định trên thành hoặc trên xe kéo cơ động.
Quân Minh khiếp sợ trước hỏa lực thần cơ sang pháo
Sử sách chép rằng, quân Minh bao phen kinh hoàng về loại súng này mà không hiểu nổi. Song, cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ vẫn thất bại và không được dân ủng hộ. Vào thời điểm đó, giặc Minh đã bắt được những cỗ thần cơ sang pháo, rất ngạc nhiên và khâm phục vì thần cơ sang pháo có nhiều ưu thế hơn hẳn các hoả pháo của quân Minh, nên lập tức vận chuyển về nước họ.
Tháng 5/2013, trong lúc nạo vét luồng lạch trên đầm Thị Nại, TP.Quy Nhơn (Bình Định), đơn vị nạo vét lại phát hiện thêm một khẩu súng thần công nằm sâu dưới nước. Ảnh: Thanh Niên. |
Minh sử chép: Trong cuộc bình Giao Chỉ, nhà Minh đã bắt được súng thần, pháo thần của Giao Chỉ được coi là vũ khí nhất thiên hạ... Súng “thần công” có được gần đây dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, đi xa ngoài 100 bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến (Trương Tú Dân).
Lại nói nhà Hồ, vào năm 1407, 17.000 người Việt gồm gia quyến quan tướng họ Hồ và quân lính Đại Việt bị đưa về Nam Kinh, Trung Quốc. Vì tính mạng của cha (Hồ Quý Ly), Hồ Nguyên Trừng buộc phải phục vụ cho nhà Minh trong việc trông coi xưởng đúc súng. Vua Minh muốn Hồ Nguyên Trừng vận dụng phương pháp chế súng thần cơ để trang bị cho quân đội mình.
Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn ghi rằng: "Quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng".
Như vậy, dù Trung Quốc là nơi đầu tiên phát minh ra thuốc súng nhưng nơi phát minh ra đại bác lại là Việt Nam. Đến hôm nay, người Việt rất tự hào về súng thần công. Nhiều khẩu thần công sang pháo được bảo quản, trưng bày trong các bảo tàng lớn tại Hà Nội, Huế...
Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446) là người huyện Vĩnh Phúc, lộ Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa), con trai cả của vua Hồ Quý Ly. Ông nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam với tư cách một nhà kỹ thuật quân sự, công trình sư lỗi lạc, ông tổ của nghề đúc súng thần công của người Việt. Ngoài súng thần công, Hồ Nguyên Trưng còn là nhà sáng chế của thuyền cổ lâu (thuyền chiến lớn có hai tầng) và là tổng công trình sư của nhiều công trình kiến trúc, thủy lợi hoành tráng thời Hồ. |