Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thân phận những người phụ nữ trong Ngôi nhà bình yên

Dự án Ngôi nhà bình yên (20 Thụy Khuê- Hà Nội) được xây dựng bởi Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Phát triển Tây Ban Nha. Sau 9 năm đi vào hoạt động, dự án Ngôi nhà Bình yên đã hỗ trợ cho hơn 400 phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình và hàng trăm nạn nhân buôn bán người. Mỗi con người đến đây là mỗi một câu chuyện đau lòng khác nhau về bạo lực gia đình.

 

Buổi sinh hoạt của các nhân viên tư vấn tại Ngôi nhà bình yên

 

Những mảnh đời bất hạnh

Là chị cả trong một gia đình bố, mẹ già yếu, kinh tế gia đình khó khăn, chị Lê Thị L trú tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội vừa phải cố gắng học hành vừa giúp bố, mẹ chăm sóc các em nhỏ. Hết cấp 3, L theo học ngành kế toán ở một trường Đại học. Ra trường L xin vào làm kế toán của một doanh nghiệp. Cũng thời gian này hạnh phúc đã đến với L. khi gặp và quen N. T. Th Sau một thời gian tìm hiểu, cả hai đã nảy sinh tình cảm yêu đương rồi đi đến hôn nhân. Sau một thời gian, hai vợ chồng trẻ đón nhận cô con gái đầu lòng. Tưởng chừng hạnh phúc như thể đã trọn vẹn với L, nhưng chẳng ngờ, bị kịch lại bắt đầu từ đây.

Do có con nhỏ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên L đành chọn cách xin đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Ở xứ người chị làm việc cật lực để lấy tiền gửi về cho chồng và nuôi nấng cô con gái nhỏ. Hết thời gian lao động ở nước ngoài L trở về nước và đoàn tụ với chồng con sau bao năm tháng xa cách nhớ nhung. Nhưng ngay khi trở về, L đau đớn phát hiện ra chồng mình đã ngoại tình phản bội một cách trắng trợn. Đau đớn, nhưng để giữ gìn hạnh phúc gia đình L. đã hết mực khuyên can chồng hồi tâm chuyển ý quay về với gia đình nhưng chẳng ăn thua. L đành tìm gặp tình nhân của chồng, mong rằng cô ta sẽ buông tha cho chồng mình để gia đình L hàn gắn hạnh phúc. Nhưng sự việc không như cô hy vọng, người tình của chồng trơ tráo công khai tình cảm giữa mình và chồng L.  

Sau lần đó, L bị chồng mình đánh đập, ruồng rẫy một cách tàn bạo hơn vì cho rằng chị đã làm mất mặt chồng. Nhiều lần chồng L đóng của nhốt vợ một tuần trong nhà với đủ trò hành hạ. Rồi một lần nhân cơ hội chồng vắng nhà, L đã bỏ trốn về nhà mẹ đẻ. Do các vết thương quá nặng nên L được người thân đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Cực chẳng đã L đã làm đơn tố cáo người chồng tàn độc tới cơ quan chức năng. Chồng L đã bị bắt và phải chịu mức án 5 năm tù giam.

Sau những biến cố khủng khiếp của cuộc hôn nhân, L bị mắc chứng rối loạn tâm thần, lúc nào cũng hoảng loạn và lo sợ đòn roi của chồng. May mắn, hai mẹ con L được mọi người ở Trung tâm phụ nữ và phát triển – Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đón về “Ngôi nhà bình yên” chăm sóc.

 

Nạn nhân bị bạo lực gia đình được tham vấn


Cũng là một trong những người phụ nữ bất hạnh trong chính ngôi nhà mình, chị N. T. H ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội nghẹn ngào kể, năm 2005, chị H lập gia đình và sinh được 3 cháu (1 trai, 2 gái). Nhưng cuộc sống bình yên của gia đình chị bắt đầu biến mất khi cô con gái nhỏ của chị mới 7 tuổi đầu bỗng trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục vào năm 2012. Quá buồn bã và đau xót trước biến cố này, chị đã suy sụp tinh thần và như một người mất trí. Những tưởng những lúc này chồng chị sẽ động viên tinh thần chị để gia đình cùng vượt qua nỗi đau này.  Nhưng ngược lại chồng chị lại trút những nỗi đau trong anh ấy lên chị khiến chị không chỉ phải chịu những đau về tinh thần mà cả những đau đớn về thể xác do chồng gây ra. “Tôi thường xuyên phải chịu đựng những trận đòn từ chồng suốt một thời gian dài và có khi phải đến bệnh viện để chữa trị. Áp lực về thể xác và tinh thần sẽ khiến cuộc sống của mẹ con tôi trở nên tuyệt vọng không lối thoát. Đã nhiều lần tôi định tìm đến cái chết để giải thoát cuộc đời nhưng thương con gái còn quá nhỏ nên tôi không đành lòng. Đến với Ngôi nhà bình yên, tôi và con gái đã được nhận rất sự hỗ trợ về nhiều mặt” – chị H chia sẻ .

Làm lại cuộc đời từ nơi “tạm lánh”

Ngôi nhà bình yên chính thức được thành lập năm 2007, nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em yếu thế thiệt thòi, là nạn nhân của bạo lực gia đình (BLGĐ) và nạn buôn người. Khi đến đây, họ sẽ được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí ăn ở và các hỗ trợ liên quan nhằm giúp họ cân bằng cuộc sống, tự tin tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, các nạn nhân ở đây sẽ được hỗ trợ học văn hóa, dạy nghề, giới thiệu việc làm.

Theo bà Phạm Thị Hương Giang- Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, xuất phát từ ý tưởng trợ giúp nhóm đối tượng yếu thế thiệt thòi, đặc biệt là nhóm phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về và bị bạo lực gia đình, được sự tài trợ của một số tổ chức trong nước và quốc tế, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã xây dựng thử nghiệm “Ngôi nhà bình yên”. Đây là nơi mà chị em lâm vào hoàn cảnh bất hạnh như bị buôn bán, bị ngược đãi có thể vừa lánh nạn và cũng là địa điểm họ có thể tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Ngôi nhà bình yên được bố trí gồm một phòng tham vấn, một nhà trẻ và hai ngôi nhà (một nhà hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị buôn bán, một nhà hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình).

 

Góc tham vấn của Ngôi nhà bình yên tại Lào Cai.

 

Bà Lê Phương Thúy - Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển (Trung tâm Phụ nữ và phát triển) cho biết: Chính trong lúc tuyệt vọng nhất, những nạn nhân bị bạo hành đã được Hội phụ nữ xã giới thiệu đến Ngôi nhà bình yên. Có rất nhiều người đã tự tìm đến Ngôi nhà bình yên, nhưng đó phần lớn là những người ở TP. Hà Nội, hoặc một số tỉnh lân cận. Để có thể giúp đỡ được nhiều chị em hơn nữa, một số Hội phụ nữ ở các tỉnh cũng đã có những hỗ trợ ban đầu như tài trợ kinh phí đi lại, giúp chị em có thể tìm đến được ngôi nhà bình yên.

Theo bà Phương Thúy, vấn nạn bạo lực gia đình xuất phát từ nguyên nhân căn bản, sâu xa nhất là tư tưởng coi thường phụ nữ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nạn nhân của hành vi bạo lực trong gia đình không chỉ là bản thân người phụ nữ mà còn cả trẻ em. Khi trẻ em chứng kiến cảnh bạo lực gia đình của bố mẹ thì có đến 85% luôn có tâm trạng buồn phiền và lo sợ, 4,2% không tôn trọng bố mẹ và có đến 5,5% muốn bỏ nhà để thoát khỏi tình trạng bạo lực hàng ngày…

Sau những câu chuyện thấm đẫm nước mắt về cuộc đời mình, ở những người phụ nữ bị bạo lực gia đình vẫn ánh lên niềm hy vọng. Họ bảo, họ vẫn là người may mắn khi được "tạm trú” ở Ngôi nhà bình yên. “Sau khi được sống trong ngôi nhà này, được các cán bộ ở đây tham vấn, tôi đã nhận thức được rằng, nhẫn nhục, chịu đựng không phải là tốt, ly hôn để con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn cũng không có gì là xấu. Giờ đây các con tôi đều tự tin học tốt, không còn căm ghét bố. Bản thân tôi cũng đã có một công việc ổn định tại một xưởng may lớn.” – chị H tâm sự .