Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Thăng Long - Hà Nội: Sức bật từ cuộc kiến tạo vĩ đại

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”. Đây là một dấu mốc lịch sử, quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước. Sau hơn 10 năm ở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã có sự “thay da, đổi thịt” cả về quy mô, diện mạo.

Sức bật từ cuộc kiến tạo vĩ đại

Nếu giai đoạn 2008-2017 đạt tăng trưởng bình quân 7,41%/năm thì năm 2018 GRDP đã tăng 7,61% với quy mô 920.270 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội đã đạt hơn 117 triệu đồng, tương đương 5.134 USD/người/năm. 

Bước sang năm 2019, kinh tế-xã hội của Hà Nội đạt được kết quả toàn diện: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,46% - mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây, đạt kế hoạch đề ra; thu ngân sách được bảo đảm. Đáng chú ý, 7 trong số 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố dự kiến vượt kế hoạch, đó là: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); vốn đầu tư xã hội; xuất khẩu; bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm nghèo; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị; nước sạch khu vực nông thôn.

Thăng Long – Hà Nội: Sức bật từ cuộc kiến tạo vĩ đại - Ảnh 1.

Hà Nội từng ngày "thay da đổi thịt".

Năm 2020, mặc dù trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, song TP Hà Nội vẫn không giảm các mục tiêu tăng trưởng phát triển. TP xác định tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại kinh tế Thủ đô và các ngành, lĩnh vực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 được thành phố đề ra là: Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 136 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn từ 10,5% trở lên; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8% trở lên; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 90,1%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%...

Để xứng tầm của một đô thị hiện đại, Hà Nội đang tập trung xây dựng thành phố thông minh mà nền tảng là cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu cốt lõi, chính quyền điện tử; các hệ thống thông minh trong lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, môi trường. Đến nay, thành phố có 83 doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp 170 hệ thống thông tin phần mềm ứng dụng khác nhau ở các cơ quan; thực hiện nối mạng WAN (mạng diện rộng) đến 584/584 xã, phường, thị trấn. Duy trì, mở rộng Trung tâm dữ liệu của Thành phố.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã chú trọng phát triển nhà ở. 43 dự án nhà ở xã hội với trên 4 triệu m2 sàn đã được hoàn thành và đang thực hiện. Tính đến hết năm 2019, diện tích bình quân nhà ở đạt 26,1 m2/người, đã tiệm cận với mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội là 26,3 m2. Diện tích cây xanh đạt 7,94 m2/người. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Hạ tầng đô thị, cây xanh, cảnh quan, môi trường, trật tự văn minh đô thị có nhiều đổi mới, tiến bộ.

Thăng Long – Hà Nội: Sức bật từ cuộc kiến tạo vĩ đại - Ảnh 2.

Phố cổ Hà Nội lung linh sắc màu.

Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành: Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh về phía Tây; Việt Hưng, VinHome RiverSide về phía Đông; Linh Đàm, Garmuda về phía Nam; Ciputra ở phía Bắc... Cùng với các khu đô thị mới trong vành đai 3 như: RoyalCity, TimesCity, Trung hòa Nhân Chính… đã tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 10 năm phát triển.

Công tác cải cách hành chính tại Hà Nội chuyển biến rõ nét đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của thành phố đang là kênh hiệu quả tiếp nhận ý kiến về giải quyết thủ tục hành chính, với 506 dịch vụ công được thực hiện ở mức 3, 4 trên toàn thành phố. Nỗ lực cải các hành chính của thành phố được trung ương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.

Nâng cao đời sống người dân gắn với an sinh xã hội

Đi đôi với phát triển kinh tế, Hà Nội luôn chú trọng thực hiện an sinh xã hội đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao. Nếu như đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố là 8,43% thì đến đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 1,69%. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,42%. Đến nay, Hà Nội đã có 355/386 xã (tỷ lệ 91,9%) của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành sớm hơn 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ. Tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn trong giai đoạn 2008-2018 đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng. Thu nhập người dân nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, gấp 4,5 lần so với năm 2008.

Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, Thành phố đã trích ngân sách các cấp và vận động xã hội hóa tổ chức 2 đợt hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho hộ nghèo (vào các năm 2009 - 2011 và năm 2018). Từ năm 2008 đến nay, 17.824 nhà ở cho hộ nghèo đã được hỗ trợ xây, sửa. Đặc biệt năm 2018, Thành phố tiếp tục hỗ trợ trên 4.000 nhà ở hư hỏng của hộ nghèo, kinh phí hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa và vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội không phải trả lãi, phấn đấu hoàn thành trước ngày "Cả nước vì người nghèo" 17/10/2018.

Thăng Long – Hà Nội: Sức bật từ cuộc kiến tạo vĩ đại - Ảnh 3.

Con đường nông thôn mới ở Đan Phượng, Hà Nội.

Hà Mội là địa phương có số đối tượng người có công với cách mạng đông nhất nước, với gần 800.000 người có công (chiếm gần 10% số người có công của cả nước). Kinh phí chi trả các chế độ mỗi năm là 1.639 tỷ đồng. Trong 10 năm qua, toàn Thành phố đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 14.080 nhà ở cho người có công, với kinh phí 1.418 tỷ đồng; vận động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được 308,744 tỷ đồng; tặng 56.312 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí 48,467 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 1.192 công trình ghi công với tổng kinh phí 675,695 tỷ đồng. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng. 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Xác định giải quyết việc làm cho lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, Hà Nội đã luôn chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động. Giai đoạn 2008-2018, TP Hà Nội đã giải quyết được việc làm cho 1.393.484 lao động (trung bình mỗi năm là 139.348 lượt lao động). Trong công tác đào tạo nghề, hệ thống cơ sở dạy nghề ngày càng tăng nên hàng năm số lao động được đào tạo nghề cũng được tăng lên cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao của doanh nghiệp trên địa bàn. Năm 2007, thành phố Hà Nội có 228 cơ sở dạy nghề (trong đó, công lập là 121 cơ sở, ngoài công lập là 107 cơ sở). Đến năm 2017, trên địa bàn Thành phố có 371 cơ sở dạy nghề (trong đó, công lập là 128 cơ sở, ngoài công lập là 243 cơ sở). Từ năm 2008-2017, số lao động qua đào tạo đạt 1.474.270 lượt người, tăng từ 117.000 lượt người năm 2008 lên 179.300 lượt lao động vào năm 2018. Kết quả tuyển sinh đào tạo như vậy đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố Hà Nội từ 27% năm 2008 lên 67,5% năm 2019.

Thời gian qua, hệ thống chăm sóc y tế công lập luôn được đầu tư phát triển. 100% phường, xã có trạm y tế; 100% trạm xá có bác sĩ công tác tại trạm. Các hình thức chăm sóc sức khoẻ nhân dân được đa dạng hoá, bước đầu hình thành cơ sở y tế tuyến chuyên sâu, kỹ thuật cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế. Đến cuối năm 2018, Hà Nội đạt tỷ lệ 26,5 giường bệnh/10 nghìn dân, về đích sớm hai năm với mục tiêu đề ra (năm 2020).

Thể thao tiếp tục có bước phát triển ấn tượng. Các vận động viên của Hà Nội luôn đóng vai trò nòng cốt trong các đoàn thể thao Việt Nam (chiếm khoảng 30%) tham dự các sân chơi khu vực và quốc tế, đạt nhiều thành tích xuất sắc.

Sau 10 năm, từ quyết định mang tính kiến tạo ấy, Hà Nội đã đi những bước vững chắc và bài bản để xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển. Những thành tựu đạt được đã đem lại hiệu quả tích cực, không chỉ hướng đến giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp, xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại mà còn góp phần xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hoá đối với nhân dân Thủ đô, cốt cách tâm hồn người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tuy vẫn phải đối mặt với không ít thách thức nhưng bức tranh Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại sẽ được xây dựng chính bằng những thành tựu đã đạt được sau 1 thập kỷ mở rộng địa giới hành chính vừa qua.