Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Tháng ngâu, doanh nghiệp thành lập mới giảm trên 30%

Trong tháng 9, cả nước có 8.610 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 80,6 nghìn tỷ đồng, giảm 30,6% về số doanh nghiệp và giảm 38,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 9,4 tỷ đồng, giảm 11,7%; tổng số lao động đăng ký trong tháng của các doanh nghiệp thành lập mới là 64 nghìn người, giảm 37%.

 

 

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng giảm do thời gian này trùng với tháng 7 âm lịch - tháng ngâu, người dân có tâm lý hạn chế khởi sự kinh doanh.

Trong tháng, cả nước có 1.946 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 21,2% so với tháng trước; có 4.441 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (bao gồm: 1.564 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 2.877 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể), tăng 17,6%; có 982 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 14,3%.

Tính chung 9 tháng năm nay, cả nước có 93.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 902,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 24,4%. Nếu tính cả 1.241,3 nghìn tỷ đồng của hơn 27,5 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2017 là 2.144 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 21.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên hơn 115 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng là 886,5 nghìn người, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ngành nghề kinh doanh chính, trong 9 tháng năm 2017 có 33,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 36% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; 12 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,8%), tăng 9%; 11,9 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 12,7%), tăng 9,6%; 7 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 7,5%), tăng 11,7%; 5 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,3%), tăng 24,1%....

Trong 9 tháng năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới tại các vùng trong cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vùng Đông Nam Bộ có 39,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,3% (vốn đăng ký 463,7 nghìn tỷ đồng, tăng 72,3%); Đồng bằng sông Hồng 28,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,3% (vốn đăng ký 215,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 12,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,3% (vốn đăng ký 116,6 nghìn tỷ đồng, tăng 77,1%); Đồng bằng sông Cửu Long 6,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 17% (vốn đăng ký 48,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2%); Trung du và miền núi phía Bắc 4 nghìn doanh nghiệp, tăng 29,8% (vốn đăng ký 40,4 nghìn tỷ đồng, tăng 26,8%); Tây Nguyên 2,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,5% (vốn đăng ký 17,9 nghìn tỷ đồng, tăng 40,9%);

Về sử dụng lao động, quý III năm nay so với quý trước, có 15,8% số doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động tăng; 11,4% số doanh nghiệp khẳng định giảm và 72,8% số doanh nghiệp cho biết giữ ổn định. Dự kiến quý IV so với quý III, có 19,3% số doanh nghiệp dự báo quy mô lao động tăng; 7,2% số doanh nghiệp dự báo giảm và 73,5% số doanh nghiệp cho rằng sẽ ổn định quy mô lao động.