71 năm may hồn đất nước
Vượt chặng đường hơn 30km, chúng tôi về làng Từ Vân vào đúng dịp mùa thu tháng tám, khi cả nước đang rộn ràng chuẩn bị lễ kỷ niệm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Làng Từ Vân tự hào là một trong những nơi may những lá cờ Tổ quốc đầu tiên trong Cách mạng tháng Tám. Trong ngôi làng này hiện có nhiều gia đình đã 4 đời làm nghề may cờ Tổ quốc.
Theo các cụ cao niên trong làng, từ thế kỷ 16, làng Từ Vân đã nổi tiếng trong và cả ngoài nước bởi các sản phẩm thêu, dệt truyền thống. Thời đó, không ít người làng Từ Vân lên Hà Nội mở cửa hàng bán các sản phẩm thêu truyền thống. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa tháng 8/1945, các nghệ nhân đã được Ủy ban kháng chiến mời thêu, làm cờ chuẩn bị cho khởi nghĩa. Sau này, những người thợ, nghệ nhân ấy được tuyển vào Hợp tác xã cờ đỏ trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để may cờ Tổ quốc. Sau này, những nghệ nhân trở về làng mang theo nghề về, vì thế, làng Từ Vân đã có thêm nghề may cờ.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Đặng Thị Đàm - người đã có hơn gần 60 năm gắn bó với nghề may cờ cho biết, xưa cả làng làm nghề thêu là chính, chỉ làm cờ đỏ sao vàng vào những thời vụ trong năm. Bà nhớ, vào ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền của quân và dân ta, hàng vạn lá cờ của làng Từ Vân đã tung bay ở Thủ đô Hà Nội. Đó là thời khắc lịch sử và cũng là cái mốc làm nghề may cờ đỏ sao vàng ở Từ Vân.
Bà Đàm nhớ lại: “Cũng đã có lúc gia đình tôi định bỏ nghề này chuyển sang nghề khác nhưng bố chồng tôi khuyên thôi cứ may cờ cho đẹp là đủ sống, không nghĩ tới làm giàu mà phải bươn chải vất vả. Bố chồng tôi nói rằng đây không chỉ là một nghề để kiếm sống đơn thuần mà đây còn là một công việc thiêng liêng nên mong các con theo nghề. Đến nay đã 71 năm gia đình tôi gắn bó với nghề này. Gia đình tôi rất tự hào đã làm nên những sản phẩm để phục vụ những sự kiện trọng đại của đất nước”. Nhưng có lẽ không kỷ niệm nào của gia đình vui hơn, khi con trai bà - anh Nguyễn Văn Phục là người may lá cờ Tổ quốc lớn nhất nước đang được treo ở Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang).
Nói về chuyện này cách đây mươi năm, anh Phục trầm ngâm nhớ lại, với bao nỗi niềm xúc động. Khi được các anh trong đơn vị quân đội yêu cầu làm một lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc của đất nước ta, anh hồi hộp và lo lắng. Nhất là khi lá cờ ấy lại được bay cao trên cột cờ ở Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ quốc, khẳng định chủ quyền nước ta. Cả mấy đêm anh không ngủ để tìm phương án may cờ. Bởi lẽ để làm một lá cờ đẹp, dù nhỏ cũng đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và tập trung, còn chuyện làm một lá cờ lớn như vậy thật không hề dễ dàng chút nào. Anh nói, việc chọn vải cho một lá cờ lớn đến như thế là cả một vấn đề. Yêu cầu nước cờ phải tươi sáng, bền màu theo thời gian và vững vàng trước những luồng gió mạnh trên đỉnh núi cao. Cùng với đó là chia tỉ lệ cân đối giữa ngôi sao vàng lớn trên nền cờ, để khi tung bay, hình cờ phải cân đối, đẹp mắt. Sau nhiều ngày đêm họp bàn, nhiều đề xuất khả thi, cuối cùng anh Phục cũng đã thể hiện tài năng và tình yêu đất nước qua lá cờ khổng lồ này. Những cảm xúc trong tâm hồn anh, cùng sự giúp đỡ của mọi người thân trong gia đình, ngọn cờ Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú đã thành công.
Công việc thiêng liêng
Theo bà Đàm, nghề may cờ Tổ quốc cũng có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu... làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, chắc chắn. Loại vải may lá cờ là vải sa mua từ làng La Khê, (quận Hà Đông, Hà Nội). Còn tua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc. Mỗi nhà có một bí quyết riêng. Nhưng cái khó nhất là phải thổi "hồn" vào từng là cờ dù là cờ to hay nhỏ, cờ in hay cờ thêu. Cũng là một trong những hộ gia đình trong làng Từ Vân đã gắn bó với nghề may cờ gần 30 năm, chị Vương Thị Tuyết Nhung cho biết, nhà chị có 10 anh chị em, trong đó có 3 chị em làm nghề may cờ từ thời làng còn Hợp tác xã cờ ở phố Hàng Bông. Nhưng đến nay trong nhà chỉ còn lại mình chị gắn bó với nghề, những chị khác đã chuyển sang mở cửa hàng kinh doanh cờ.
Theo chị Nhung, may cờ khó nhất là khâu đính sao vàng vào lá cờ theo đúng tỷ lệ. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải thao tác tỷ mỷ và chính xác tuyệt đối. Lá cờ mang hồn thiêng dân tộc nên may cờ tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải khéo léo, cẩn thận với nhiều công đoạn phức tạp. Để có được một lá cờ đẹp phải trải qua các công đoạn pha vải, đo, cắt, chèn sao, may... Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỷ mỷ trong từng đường kim, mũi chỉ. Ở một khía cạnh nào đó, người thợ may cũng giống như người nghệ sĩ, phải biết "thổi hồn" cho những lá cờ ấy.
Chị Nhung cho biết: “Mỗi công đoạn đều phải chính xác từng milimet, từ việc cắt ngôi sao, từng đường chỉ may, nhất là làm logo, huy hiệu từ không được lệch một tý nào. Để đạt được độ chính xác cao, gia đình tôi đã đầu tư một máy cắt vải bằng laser. Mọi thông số đều được chỉnh sửa trước trên máy tính trước khi cắt vải. Nghề làm cờ thường bận nhất vào dịp đầu năm và cuối năm, các đơn hàng thường yêu cầu phải hoàn thành trong thời gian ngắn vì vậy có những lúc cả nhà phải thức trắng đêm cả tuần để hoàn thành các sản phẩm để kịp giao hàng”.
Cũng theo chị Nhung, thu nhập từ mỗi lá cờ không lớn bởi giá xuất xưởng chỉ từ 15.000 đồng/ lá - 25.000 đồng/lá. Nhưng vào dịp lễ, Tết từng lá cờ đỏ sao vàng do gia đình chị sản xuất có mặt trên mỗi góc phố, mỗi mái nhà luôn khiến chị cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Trong suy nghĩ của chị, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là hình ảnh biểu trưng của sự đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc và cũng là biểu tượng của đất nước độc lập, chủ quyền.
Ông Nguyễn Văn Chiển, Bí thư Đảng uỷ xã Lê Lợi cho biết, hiện nay ở Từ Vân không còn nhiều hộ duy trì nghề may cờ Tổ quốc, song việc gìn giữ và phát triển làng nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các hộ mà còn thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của nhân dân làng Từ Vân nói riêng và xã Lê Lợi nói chung. Hiện nay, sản phẩm cờ đỏ sao vàng của làng Từ Vân không chỉ cung cấp cho hầu hết các cửa hàng trên phố Hàng Bông mà còn xuất đi nhiều địa phương trên cả nước với số lượng lớn.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc vẫn ngày ngày được nhân lên qua từng đường kim mũi chỉ của người làng Từ Vân. Những ngọn cờ vời vợi tung bay trước gió có mặt ở mọi miền biên cương Tổ quốc khẳng định nền độc lập dân tộc, chủ quyền của Việt Nam.