Hàm Rồng vang mãi chiến công
Cách đây hơn 56 năm, ngày 3, 4/4/1965, không quân Mỹ đã huy động lực lượng hùng mạnh đánh phá cầu Hàm Rồng nhằm chặt đứt con đường huyết mạch chi viện từ Bắc vào chiến trường miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quân dân Thanh Hóa nói chung, quân dân Hàm Rồng nói riêng đã kiên cường đánh trả những đòn tấn công nhớ đời vào đế quốc Mỹ. 16 chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ ném bom vào địa phận Thanh Hoá, nhưng chưa đầy 1 giờ sau, cụm hỏa lực phía Bắc cầu Hàm Rồng đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát khi còn cách cầu Tào Xuyên chừng 3km. Đây là máy bay đầu tiên của giặc Mỹ bị quân dân Hàm Rồng bắn rơi, mở đầu trang sử Hàm Rồng quyết thắng. Theo tài liệu ghi lại, khoảng 13 giờ ngày 3/4, cuộc tấn công của đế quốc Mỹ vào khu vực Hàm Rồng bắt đầu. Từng tốp máy bay phản lực hiện đại đủ các loại: F105, F8, RF101... đánh phá cầu Hàm Rồng liên tục trong 2 giờ 36 phút. Trong ngày đầu tiên, Mỹ đã huy động 102 lần máy bay, 360 chiếc máy bay và mở 14 đợt tấn công nhưng vẫn không thực hiện được ý đồ đánh phá cầu Hàm Rồng.
Thống kê cho thấy, chỉ trong 2 ngày 3, 4/4/1965, không quân Mỹ đã sử dụng 174 lần tốp máy bay, 454 lần chiếc máy bay ném xuống địa bàn tỉnh Thanh Hóa với 627 quả bom phá, 58 quả bom nổ chậm (loại bom từ 500kg - 1 tấn) cùng hàng trăm tên lửa, rốc két vào các khu vực trọng điểm của Thanh Hóa. Riêng khu vực Rồng - Nam Ngạn, không quân Mỹ đã bổ nhào 85 lần, bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả đạn rốc két. Sau 2 ngày chiến đấu kiên cường, quân dân Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, bắt sống nhiều phi công Mỹ, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng, khiến dư luận nước Mỹ xôn xao, bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới nể phục. Mặc dù bị thất bại lớn, nhưng đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố đánh phá cầu Hàm Rồng. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ (từ ngày 26/12/1971 đến ngày 15/1/1973), đế quốc Mỹ đã sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại từ máy bay chiến lược B52, đến tên lửa tà lốc, bom xuyên... ồ ạt rải xuống Hàm Rồng.
Qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, riêng quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 117 máy bay, tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ, bảo vệ cầu, bảo đảm giao thông thông suốt, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Những sự kiện lịch sử ngày ấy đã đưa Hàm Rồng vào những trang vàng chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Hàm Rồng - địa danh hấp dẫn du khách
Hàm Rồng ngày nay đang phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của hàng triệu du khách thập phương. Bởi Hàm Rồng không chỉ đi vào những trang sử vàng chói lọi mà địa danh nổi tiếng này còn ôm trọn cả hai nền văn hóa Núi Ðọ, Ðông Sơn. Ngày nay các điểm du lịch trên địa bàn phường Hàm Rồng như: Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, Quảng trường Hàm Rồng, thiền viện Trúc Lâm, đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, tour du lịch "Ngược xuôi sông Mã"... đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách thập phương. Hàm Rồng có cảnh quan hùng vĩ, xung quanh được bao bọc bằng những đồi thông ngút ngàn và thung lũng thơ mộng. Trên dãy núi Hàm Rồng có động Long Quang và động Tiên Sơn với vẻ đẹp độc đáo, kỳ thú. Động Long Quang còn có tên gọi là động Mắt Rồng, đứng từ cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Thanh Hóa ẩn hiện giữa núi non trùng điệp và dòng sông Mã uốn lượn như đang ôm ấp núi Rồng.
Vòng theo chân núi Hàm Rồng, ngược lên theo các bậc đá dốc chừng 30m, du khách sẽ tới động Tiên Sơn. Động gồm 3 động 1, 2 và 3, thông nhau bằng những lối lên xuống nhỏ. Động được thiên nhiên ban tặng cho hệ thống nhũ đá nguyên sơ như hình ngọc hoàng thượng đế, tiên ông, tiên cô, rồng bay, phượng múa, những tạo hình độc đáo như vườn đào, thủy cung, cổng trời, giếng tiên… khiến du khách như lạc vào không gian cổ tích. Đối diện với núi Hàm Rồng, bên bờ bắc sông Mã là núi Ngọc. Nhìn từ xa, thế núi Hàm Rồng và núi Ngọc giống như con rồng đang vờn hạt ngọc. Nằm trên núi Cánh Tiên là đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa là điểm đến tâm linh không thể bỏ qua của du khách khi đến với địa danh Hàm Rồng. Hàm Rồng còn nổi tiếng với làng cổ Đông Sơn nằm bên bờ nam sông Mã, tựa lưng vào dãy núi Hàm Rồng. Làng Đông Sơn có cấu trúc theo kiểu làng thuần nông, phía trước là cánh đồng rộng lớn, cùng bến sông tấp nập thuyền bè. 3 phía của làng cổ Đông Sơn được bao bọc bởi những đồi đất, núi đá xen kẽ với kiến trúc cổng làng, đình làng truyền thống cùng hàng chục ngôi nhà cổ với những bức tường rêu phong nằm ven những con đường lát gạch, đá ngoằn ngoèo theo sườn núi.
Để phát triển điểm du lịch gắn với địa danh Hàm Rồng, tháng 3/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc thành phố Thanh Hoá. Trong đó khu vực quy hoạch Hàm Rồng - Núi Đọ sẽ là khu đô thị Công viên di sản, với quy mô, tầm vóc quốc gia, quốc tế hướng tới trở thành Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
Là khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ và du lịch của thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa và vùng Bắc Trung bộ, gồm: Quần thể di sản danh thắng, di tích lịch sử văn hóa khảo cổ cấp quốc gia; Khu du lịch lịch sử, văn hóa, khảo cổ sinh thái của Thanh Hóa gắn với tuyến du lịch dọc sông Mã (Sầm Sơn - Hàm Rồng - Thành nhà Hồ). Ông Lê Xuân Liên, Trưởng ban quản lý Di tích Hàm Rồng cho biết: "Những năm gần đây Di tích Hàm Rồng đã trở thành địa chỉ đỏ thu hút rất đông du khách thập phương. Du khách đến với địa danh này không chỉ là bản anh hùng ca bất tử, đã đi vào trang sử vàng chói lọi của dân tộc mà nơi đây còn được biết đến là thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú với quần thể sông, núi, hang động lôi cuốn du khách mỗi khi có dịp ghé thăm".