Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thanh Hóa: Chủ động phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em

Nhiều vụ việc đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em xảy ra liên tục trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi các cấp, ngành, cơ sở giáo dục và ngay trong mỗi gia đình, cá nhân cần chủ động và tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em.

Phổ cập bơi để phòng tránh đuối nước trẻ em.

Phổ cập bơi để phòng tránh đuối nước trẻ em.

22 vụ tai nạn gây tử vong 29 trẻ em

Thống kê của Sở LÐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, theo số liệu báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ tai nạn, thương tích gây tử vong 29 trẻ em, gồm: 16 vụ đuối nước gây tử vong đối với 20 trẻ em; 3 vụ tai nạn giao thông gây tử vong 6 trẻ em và 3 trẻ em tử vong do cháy nhà, ngã xe tại gia đình và ngạt thở do đốt than sưởi ấm. Trong đó, có 2 vụ tai nạn thương tích gây tử vong nhiều trẻ em.

Ðiển hình là vụ đuối nước thương tâm xảy ra ngày 4/4/2022, khiến 5 thiếu niên 13 tuổi tại xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa tử vong. Theo đó, chiều 4/4, do không có tiết học ở trường, 5 học sinh Trường THCS Thiệu Duy không đến lớp mà rủ nhau đi tắm ở sông Mộc Khê tại vị trí giáp ranh giữa hai xã Thiệu Hợp và Thiệu Duy, dẫn đến đuối nước. Ðến 19 giờ 30 ngày 4/4, gia đình không thấy các em về nên tổ chức tìm kiếm và phát hiện quần áo trên bờ đập. Quá trình tiếp nhận thông tin và tổ chức tìm kiếm, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ tỉnh Thanh Hóa đã điều động nhiều phương tiện cùng 15 cán bộ, chiến sỹ, chính quyền địa phương khẩn trương đến hiện trường triển khai công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Do đêm tối và thời tiết lạnh, công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Ðến gần 1 giờ sáng ngày 5/4, lực lượng chức năng tìm được hai thi thể và đến trưa cùng ngày mới tìm thấy toàn bộ thi thể các nạn nhân.

Trước đó, tại huyện Hậu Lộc, khoảng 21 giờ 30 ngày 25/3, 4 em nhỏ cùng trú tại thôn Chiến Thắng và P.T.K.V (SN 2009), trú tại thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc ngồi trên một chiếc xe máy điện chạy từ xã Hưng Lộc về nhà. Khi đến con đường nội đồng thuộc thôn Phú Lương, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc do trời tối, xe mất lái nên cả người và xe lao xuống mương nước sâu. Ngay khi phát hiện sự việc, người dân địa phương tiến hành ứng cứu, đưa các nạn nhân lên bờ. Tuy nhiên, do bị thương quá nặng, 3 em gồm: T.T.V.(SN 2009), Ð.T.T.(SN 2010), M.T.B.Y(SN 2009. đã tử vong, một em học sinh ngồi sau văng sang bờ mương đối diện may mắn thoát chết. Các nạn nhân đều là học sinh Trường THCS Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc.

Chủ động các biện pháp phòng ngừa

Ông Vũ Huy Vượng, Trưởng Phòng Trẻ em (Sở LÐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, dự báo tình hình tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông và đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới có nguy cơ gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em còn hạn chế; Một số gia đình chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, chăm sóc trẻ em tại gia đình, cộng đồng; Môi trường sinh sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích đối với trẻ em; Chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương trong tỉnh chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng...

Ðể hạn chế tai nạn thương tích, đuối nước với trẻ em, ngày 15/4 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 03 về tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn.

Lực lượng chức năng tìm kiếm thi thể các em học sinh đuối nước trên sông Mộc Khê.

Lực lượng chức năng tìm kiếm thi thể các em học sinh đuối nước trên sông Mộc Khê.

Sở LÐ-TB&XH Thanh Hóa đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị và các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội trong việc phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan về kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và giải pháp, biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tiếp tục thực hiện kịp thời các hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đối với các gia đình có trẻ em bị thương nặng, bị tử vong do tai nạn, thương tích trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.

Bên cạnh đó Sở LÐ-TB&XH cũng phối hợp với cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo và có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.