Thiên tai ngày càng khốc liệt và mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra thì ngày càng khủng khiếp hơn. Sau những trận lũ, bão gần đây, người dân ở nhiều địa phương, trong đó có người dân tại một số địa bàn vùng núi, ven sông, suối ở Thanh Hóa đang rất cần cơ quan chức năng có giải pháp căn cơ, nguồn lực đầu tư lớn hơn, để dự báo sớm, chủ động ứng phó, xây dựng những cộng đồng dân cư an toàn trước thiên tai.
Theo số liệu thống kê, năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 24 trận thiên tai (15 đợt giông, lốc kèm theo mưa lớn, mưa đá; 3 cơn bão; 6 đợt nắng nóng) gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Cùng với đó, một vấn đề khẩn thiết nữa cũng đặt ra đó là sự chủ động ứng phó của các cộng đồng dân cư trước nguy cơ thiên tai. Không thể vì tập quán, lối sống, địa bàn canh tác hoặc những lý do khác, mà người dân bỏ qua các cảnh báo, nguy cơ của thiên tai. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, tính chủ động của người dân sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra những khu dân cư an toàn hơn trước sự đe dọa và tàn phá của thiên tai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết: "Chưa năm nào Thanh Hóa không chịu ảnh hưởng của thiên tai, mỗi năm đều có thiệt hại về người và hàng nghìn tỷ đồng tài sản. Trong số các loại thiên tai, Thanh Hóa đều đã phải nếm trải và gánh chịu hậu quả, trừ sóng thần".
"Trước nguy cơ thiên tai ngày càng gay gắt và diễn biến phức tạp, yêu cầu bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân vì thế càng trở nên cấp bách. Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cấp, chính quyền và cơ quan chức năng càng phải quyết tâm cao hơn để hạn chế thấp nhất thiệt hại từ thiên tai" - Phó Chủ tịch Lê Đức Giang nhấn mạnh.