Tốp đầu thực hiện tốt công tác XKLĐ
Trong nhiều năm qua, Thanh Hoá luôn là tỉnh có số người đi XKLĐ đông nhất so với các tỉnh trong cả nước. Kết quả đó đã góp phần không nhỏ giúp hàng trăm ngàn người dân thoát được nghèo và vươn lên làm giàu từ XKLĐ. Năm 2016, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung về công tác XKLĐ, nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các cấp, ban, ngành và đơn vị, doanh nghiệp (DN) nên toàn tỉnh đã đưa được 10.018 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (đạt 100,18% kế hoạch). Trong đó, lao động thuộc 7 huyện nghèo đưa được 978 người xuất cảnh (lao động nữ chiếm 40%). Thị trường tập trung chủ yếu : Đài Loan (Trung Quốc) 1.834 người, Hàn Quốc 1.020 người, Nhật Bản 813 người, Arapxeut 3.300 người. Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, những địa phương đã thực hiện tốt công tác XKLĐ gồm các huyện: Yên Định 665 người, Đông Sơn 650 người, Hoằng Hóa: 606 người, Quảng Xương 450 người. Bên cạnh đó, một số huyện miền núi đã triển khai có hiệu quả công tác XKLĐ như: huyện Cẩm Thủy 602 người, Bá Thước 207 người, Thường Xuân 180 người.
Lao động do Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát Chi nhánh Thanh Hóa tuyển chọn, đào tạo tiếng trước khi xuất cảnh đi làm việc tại thị trường Arapxeut
Theo ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, chất lượng nguồn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài năm 2016 tốt hơn nhiều so với những năm trước đây, đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động nước ngoài. Lao động có trình độ tay nghề chiếm khoảng 50% (chủ yếu là nghề cơ khí, hàn, thợ giàn giáo, ốp lát, may mặc, điều dưỡng, hộ lý, giúp việc gia đình); còn lại hầu hết là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề; đặc biệt, có khoảng 5% lao động là sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học cũng tham gia đi XKLĐ tập trung các ngành như: kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên có trình độ từ cao đẳng trở lên.
Đánh giá về các DN hoạt động XKLĐ trên địa bàn, ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng phòng việc làm, an toàn lao động - Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết, năm 2016, Thanh Hóa có trên 50 DN hoạt động trong linh vực XKLĐ đã phối hợp tuyển lao động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các đơn vị, DN XKLĐ đã chủ động, tích cực tham gia tuyển chọn và cung ứng nhiều lao động của tỉnh Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài như: Công ty cổ phần đầu tư Vĩnh Cát; Công ty CP Xây dựng, Cung ứng Nhân lực và XNK Thiên Ân (TAMAX); Công ty CP Xuất nhập khẩu Vật tư thiết bị đường sắt (VIRASIMEX); Công ty CP Dịch vụ thương mại và Xuất khẩu lao động Trường Sơn (COOPIMEX)... Hiện nay, tổng số lao động của tỉnh Thanh Hóa đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên 30.000 người. Số tiền người lao động gửi về nước trên 100 triệu USD. Từ số tiền này, nhiều gia đình đã đầu tư sản xuất, mở trang trại thu hút việc làm cho cả ngàn lao động. Hầu hết gia đình có người đi XKLĐ đều thoát nghèo, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu.
Năm 2017: Phấn đấu xuất cảnh trên 10.000 lao động
Từ những kết quả đã đạt được trong năm 2016, Năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đưa được trên 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu đáp ứng thị trường lao động nước ngoài (đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Đức..), đưa tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi XKLĐ lên 50%; Tuyên truyền, vận động để giảm tỷ lệ lao động Thanh Hóa đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS hết hạn hợp đồng lao động, không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp xuống còn dưới 30% năm 2017 và các năm tiếp theo.
Năm 2017, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đưa được trên 10.000 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
Trao đổi với PV báo LĐ&XH, ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết: “Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã đưa ra các giải pháp cụ thể là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền của các ngành, các cấp, nhất là cấp huyện và xã, phường về công tác XKLĐ. Thường xuyên phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người lao động biết nhằm tránh những thông tin thất thiệt từ các cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động XKLĐ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người lao động. Tăng cường giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng tác động tích cực của XKLĐ đối với vấn đề việc làm, giảm nghèo. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về XKLĐ; phim tư liệu về đời sống và công việc của những người lao động làm việc tại nước ngoài; tuyên dương, nhân rộng các điển hình tốt về XKLĐ. Tiếp tục công khai đầy đủ, chính xác, minh bạch các khoản chi phí, đóng góp cũng như tiền lương, thu nhập và các quyền lợi của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các DN XKLĐ có khả năng, uy tín mở chi nhánh, đặt văn phòng đại diện tại một số địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động. Bên cạnh đó, các huyện và xã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với các DN XKLĐ và các đơn vị giới thiệu cung ứng lao động xuất khẩu có uy tín, tuyển chọn và đưa được nhiều lao động của tỉnh đi xuất khẩu. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, DN XKLĐ trong việc chủ động tạo nguồn lao động và làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động, dạy nghề và ngoại ngữ cho người lao động và có trách nhiệm phối hợp giải quyết các vướng mắc, rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ XKLĐ cũng như lồng ghép có hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm của Nhà nước để khuyến khích người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia XKLĐ”.
Ngoài ra, căn cứ chỉ tiêu về kế hoạch XKLĐ của tỉnh và khả năng thực tế của từng địa phương, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu XKLĐ cho từng huyện, thị xã, thành phố để phấn đấu thực hiện; đồng thời có sự chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện. Hàng năm, song song với việc khảo sát cung - cầu lao động gắn với khảo sát nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của người lao động để có kế hoạch đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết phù hợp để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước ngày càng được tốt hơn. Các trường nghề phối hợp chặt chẽ với các DN XKLĐ để tuyển chọn và đào tạo những nghề mà thị trường lao động nước ngoài đang có nhu cầu tuyển nhiều nhằm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đi XKLĐ tập trung vào các nghề cao đẳng điều dưỡng và nghề cơ khí, xây dựng, may mặc... Các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn lại Ban chỉ đạo XKLĐ, bố trí cán bộ có năng lực trình độ, nhiệt trình làm công tác tham mưu giúp Ban chỉ đạo XKLĐ. Sự chỉ đạo vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cấp xã, phường, thị trấn đóng vai trò quyết định trong việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của công tác XKLĐ. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 28/4/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước và lao động về nước đúng hạn – ông Tùng nhấn mạnh.
Với những nỗ lực không ngừng, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt công tác XKLĐ. Kết quả đó đã góp phần quan trọng, tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo sự ổn định về an ninh chính trị xã hội trên địa bàn.