Sáng 23/11, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Thạch Thành; UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ đón Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành.
Lễ trao Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong
và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành.
Nằm trong vùng đệm rừng Quốc gia Cúc Phương, hang Con Moong thuộc bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Năm 1975, trong đợt điều tra khảo cổ học, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện hang Con Moong.
Từ năm 1976 đến năm 2014, qua nhiều lần khai quật, các nhà khoa học đã xác nhận con người thời tiền sử đã có mặt ở trong hang từ khoảng 60.000 năm đến 7.000 năm trước Công Nguyên. Đây cũng chính là nơi quần cư liên tục của người Việt cổ, với 3 nền văn hóa: Sơn Vi, Hòa Bình và Bắc Sơn; tiêu biểu cho Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung.
Hang Con Moong là một điển hình nổi bật về việc định cư truyền thống của loài người, từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt. Sự phát triển này là một thành tựu văn hóa vĩ đại của nhân loại.
Du khách tham quan các di chỉ khảo cổ trưng bày tại buổi lễ
Mới đây, đoàn khảo cổ học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Di chỉ hang Con Moong và phức hợp các di chỉ phụ cận”, công bố những kết quả bước đầu.
Theo đó, hang Con Moong có địa tầng dày trung bình 9,5 m với 10 lớp có cấu trúc khác nhau. Từ lớp 1 đến lớp 6 (độ sâu 1-6 m), các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể. Từ lớp 7 đến 10 không gặp dấu tích động vật nhưng phát hiện nhiều công cụ mảnh tước chế tác bằng đá quartz, tập trung nhiều nhất ở lớp 10 (độ sâu 8,5 -9,5 m).
Hang Con Moong trải qua 4 giai đoạn phát triển về văn hóa, gồm giai đoạn trước Sơn Vi sang Sơn Vi đến văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn và Đa Bút. Kết quả nghiên cứu cacbon và phóng xạ các lớp trên, độ từ cảm, tập trầm tích ở hang Con Moong và so sánh tương thích văn hóa với các di chỉ khảo cổ học khác cho thấy niên đại sớm nhất của hang Con Moong được dự đoán 40.000-60.000 năm trước.
Đây là một trong số ít những di chỉ khảo cổ học có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á.
Hang Con Moong thu hút đông đảo du khách tới tham quan
Cụm di tích khảo cổ hang Con Moong là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ đối với việc nghiên cứu thời đại nguyên thủy ở Thanh Hóa mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử Việt Nam. Với những giá trị nổi bật đó, di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đồng chí giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Thạch Thành cùng các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan sớm xây dựng quy hoạch tổng thể di tích và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch tổng thể khi được Thủ tướng phê duyệt. Tiến hành kêu gọi đầu tư xây dựng, triển khai, thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận, gắn các di tích liên quan của Vườn Quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) để nơi đây dần trở thành trung tâm văn hoá khảo cổ, làm điểm đến du lịch hấp dẫn và ý nghĩa; tiếp tục nghiên cứu, củng cố, bổ sung tư liệu, tài liệu để hình thành bộ hồ sơ khoa học, đệ trình UNESSCO công nhận di tích hang Con Moong là di sản văn hoá khi đủ điều kiện.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ; PGS.TS Bùi Nhật Quang - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam đã trao Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong cho tỉnh Thanh Hóa.