Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thanh Hóa: Hết thời hạn thuê đất, người dân không tuân thủ pháp luật

Mặc dù Toà án nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hoá đã tuyên án việc tranh chấp đất đai giữa 7 hộ dân và UBND xã Hoằng Phong, bản án đã có hiệu lực gần 3 năm nay, nhưng 7 hộ dân vẫn không tuân thủ theo phán quyết của toà. Điều này khiến chính quyền địa phương gặp khó trong việc thực thi các cơ chế, chính sách khi cho thuê đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Theo đó, Ngày 25/9/2015, TAND huyện Hoằng Hóa ban hành bản án số 04/2015/HCST không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của 7 hộ dân xã Hoằng Phong gồm: Lê Văn Như, Lê Văn Thành, Lường Tiến Diện, Cao Đức Thiện, Lê Văn Đức, Cao Văn Bảy, Cao Thị Đức, đối với mục 3 của Thông báo số 708/TB-UBND huyện Hoằng Hóa, ngày 2/6/2014, “Kết luận về việc giải quyết một số tranh chấp trong hợp đồng nuôi trồng thủy sản giữa các hộ nuôi trồng thủy sản với UBND xã Hoằng Phong”. Các hộ dân sau đó kháng cáo, ngày 30/12/2015 TAND tỉnh Thanh Hóa ban hành bản án 24/2015/HC-PT, bác đơn kháng cáo của các hộ dân. Bản án có hiệu lực từ ngày tuyên án và cho tới nay, bản án không bị kháng nghị hay xem xét theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm.

Mặc dù bản án TAND tỉnh Thanh Hoá đã tuyên và có hiệu lực gần 3 năm nay, nhưng 7 hô dân tại xã Hoằng Phong không chấp hành

Lật lại hồ sơ: Năm 1993, 31 hộ dân tại xã Hoằng Phong đi làm kinh tế tại khu vực Đồng tôm nội đê xã Hoằng Phong (hình thức giãn dân) theo Quyết định điều động của Chi cục điều động LĐDC-KTM tỉnh và quyết định của UBND huyện Hoằng Hóa. Trên cơ sở các Quyết định của tỉnh và UBND huyện, UBND xã Hoằng Phong tổ chức ký hợp đồng giao khoán đất nuôi trồng thủy sản với các hộ dân, thời hạn 20 năm (1993 - 2013).

Trong quá trình thực hiện việc cải tạo đồng nuôi trồng thủy sản một số hộ bỏ về, một số hộ chuyển nhượng hợp đồng cho hộ khác; một số hộ tiến hành sản xuất trên diện tích đất thầu và xây dựng nhà ở tại đồng nuôi trồng thủy sản.

Năm 2004, 22 hộ dân xã Hoằng Phong có đơn khiếu nại một số nội dung (trong đó có nội dung đề nghị được cấp đất ở tại khu vực thầu nuôi trồng thủy sản), UBND huyện Hoằng Hoá đã thành lập Đoàn Thanh tra giải quyết khiếu nại; kết quả (tại Báo cáo số 08/BC/TTr ngày 25/2/2004) kết luận: Việc đòi cấp đất ở của các hộ dân là không phù hợp với quy định của pháp luật vì khu vực này không được xã Hoằng Phong quy hoạch đất ở giai đoạn 2000 - 2010; hơn nữa khu vực trên đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp tại Quyết định số 2069/QĐ-CT ngày 25/6/2002. Từ đó, các hộ không có ý kiến thắc mắc gì khác.

Khu vực đất nuôi trồng thủy sản của các hộ dân xã Hoằng Phong

Đến năm 2013, hợp đồng ký trước đó của 23 hộ dân đã hết thời hạn (ký từ 1993 – 2013). Căn cứ theo quy định hiện hành về luật đất đai (UBND xã chỉ được cho thuê đất tối đa 5 năm), trên cơ sở đó UBND xã Hoằng Phong tổ chức ký lại hợp đồng, nhưng  chỉ có 15 hộ ký lại hợp đồng 5 năm, 1 hộ đi làm ăn xa, còn lại 7 hộ dân yêu cầu xã phải ký lại hợp đồng thuê đất theo thời hạn 20 năm, đồng thời cấp một phần trên tổng diện tích đất họ đang thuê là đất ở. Không được cấp đất ở và ký hợp đồng thuê đất 20 năm, 7 hộ dân có đơn kiện UBND xã Hoằng Phong.

Mặc dù đã được cấp xã, UBND huyện Hoằng Hóa giải thích, trả lời, động viên nhiều lần nhưng 7 hộ dân không thực hiện mà tiếp tục gửi đơn tới các cơ quan.

Ngày 15/5/2014, UBND huyện, các phòng, ngành huyện, Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã, MTTQ và các Đoàn thể xã Hoằng Phong tổ chức hội nghị làm việc với người dân và ra thông báo số 708 nội dung: "Việc đề nghị cấp đất ở của các hộ tại khu vực này là không có cơ sở... Nếu hộ nào chưa có đất ở thì đề nghị các hộ phải làm đơn xin đất ở gửi về UBND xã để được xem xét, giải quyết theo quy định".

Không đồng ý với thông báo số 708, tháng 8/2014, các hộ dân này tiếp tục gửi đơn đến UBND huyện, tỉnh. Ngày 16/9/2014, Thanh tra huyện làm việc với 7 hộ dân, sau khi được giải thích, hướng dẫn các quy định của pháp luật, các hộ dân đã gửi đơn đến tòa án.

Vụ việc đã được TAND huyện Hoằng Hóa, TAND tỉnh Thanh Hóa thụ lý và xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, trong mục 1, phần Quyết định của Bản án phúc thẩm nêu rõ: "Bác đơn khởi kiện của những người có tên trên về yêu cầu hủy mục 3 Thông báo số 708/TB-UBND ngày 2/6/2014 của UBND huyện Hoằng Hóa về giải quyết đất ở cho các hộ".

Tuy nhiên, các hộ dân không thực hiện bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tiếp tục làm đơn gửi đến cấp tỉnh và trung ương. Ngày 25/2/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Thông báo số 31/TB-UBND về tình hình tiếp công dân định kỳ tháng 2/2016 và ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh về từng vụ việc cụ thể.

Vụ việc đã được Tòa án nhân dân huyện Hoằng Hóa, Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý giải quyết cơ quan hành chính Nhà nước không thụ lý giải quyết.

Khu vực đất nuôi trồng thủy sản của các hộ dân xã Hoằng Phong

Thực hiện theo phán quyết của tòa án và tình hình thực tế của địa phương, UBND xã Hoằng Phong đã đề nghị các gia đình sinh hoạt bình thường, ổn định đời sống và giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới, xây dựng mới bất cứ hạng mục công trình gì trên diện tích đất nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời yêu cầu 7 hộ ký lại hợp đồng nuôi trồng thủy sản đối với đất công ích là 5 năm (vì hợp đồng các hộ đã hết hạn năm 2013) theo quy định tại Điều 72 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 74 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ, nay là Điều 132 Luật Đất đai năm 2013, nhưng các hộ không thực hiện, mà đề nghị cấp đất ở và ký hợp đồng lâu dài đối với khu đất trên là không thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và các văn bản hướng dẫn của Nhà nước.

Như vậy, việc UBND xã Hoằng Phong đề nghị các hộ ký lại hợp đồng nuôi trồng thủy sản thời hạn 5 năm/lần là thực hiện theo Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 là đúng quy định.

Việc giải quyết của các cơ quan chức năng xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hoá và TAND tỉnh Thanh Hoá là thấu tình, đạt lý. Các hộ dân tại xã Hoằng Phòng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.