Theo đó, sau 10 năm (2005 – 2015), thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cộng đồng, gia đình về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, song do điều kiện kinh tế, trẻ em ở vùng miền núi Thanh rất cần sự giúp đỡ hơn nữa từ cộng đồng
Cụ thể, Sở đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng 550 pa nô, áp phích, 10.000 cuốn tài liệu, tờ rơi về luật pháp, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức 351 cuộc nói chuyện chuyên đề, 95 cuộc tư vấn nhóm nhỏ cho hàng nghìn lượt cán bộ lãnh đạo, cha mẹ và người giám hộ trẻ em. Đến hết năm 2014, có 310.560 trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 29,5%, thể nhẹ cân giảm còn 18,8%. Bệnh viện Nhi đã thực hiện phẫu thuật dị tật bẩm sinh (tim, mắt, môi, hàm ếch), phẫu thuật dị tật vận động và phục hồi chức năng cho 5.823 trẻ em khuyết tật. 9.125 trẻ em được hưởng chính sách trợ cấp thường xuyên; 29.203 trẻ em được chăm sóc bằng các hình thức khác.
Công tác giáo dục trẻ em được quan tâm thực hiện, mạng lưới trường, lớp được đầu tư nâng cấp. Trong 10 năm, đã xây dựng và phát triển trên 4.000 phòng đọc sách, 27 thư viện thiếu nhi cấp huyện, 400 thư viện cấp xã, cùng với hệ thống nhà văn hóa thiếu nhi, đã tạo thành các điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa cho trẻ em.