Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thanh Hóa: Hướng tới kết thúc AIDS

Cũng như tình hình chung của cả nước, dịch HIV/AIDS tại Thanh Hóa vẫn đang trong giai đoạn tập trung, người nhiễm HIV chủ yếu nằm ở các nhóm nguy cơ cao là nghiện chích ma túy, gái mại dâm.

 

Tiêm chích ma túy tại Thanh Hóa là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm lây nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm từ những người này ra cộng đồng là một điều hiển nhiên không những qua dùng chung bơm kim tiêm mà còn qua con đường quan hệ tình dục không an toàn. Trường hợp HIV đầu tiên được phát hiện tại Thanh Hoá vào năm 1995, sau 20 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS, đến ngày 31/10/2015 toàn tỉnh phát hiện 7.030 người nhiễm HIV, số người chuyển AIDS là 4.342 người, và số tử vong do AIDS là 1.126 người. Thanh Hóa cũng như toàn quốc vẫn tiếp tục đối mặt với đại dịch HIV/AIDS, cho dù đã có nhiều biện pháp, nhiều nguồn lực được huy động để chống dịch.

Toàn tỉnh, từ khu vực đồng bằng cho đến các huyện miền núi như Quan Hóa, Mường Lát... đã xây dựng một mạng lưới dự phòng và chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV, đó là:  1) Chương trình cung cấp bao cao su, trao đổi bơm kim tiêm sạch được mở rộng tới tất cả các điểm nóng về tiêm chích ma túy và mại dâm; 2) Chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được đưa vào hoạt động từ năm 2011 đến 31/10/2015, qua 4 năm triển khai, đã mở được 18 cơ sở điều trị Methadone, 3 cơ sở cấp phát  thuốc, số người nghiện chích ma túy được tham gia điều trị là 2.113  người, có 70% trong số này đã từ bỏ được ma túy và thực hiện các hành vi an toàn phòng, chống AIDS; 3) Công tác truyền thông tuyên truyền phòng lây nhiễm HIV/AIDS được triển khai rộng khắp với nhiều nội dung và hình thức phong phú, góp phần làm chuyển đổi nhìn nhận của đại bộ phận cộng đồng về căn bệnh HIV/AIDS. Sự kỳ thị, xa lánh và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đã giảm nhiều so với những năm trước đây; 4) Trong lĩnh vực chăm sóc, hỗ trợ và điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) cho người nhiễm HIV/AIDS, toàn tỉnh đã có 14 phòng khám và điều trị ngoại trú, đang điều trị cho 2.766 người nhiễm HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu 90% người nhiễm được điều trị ARV; 5) Công tác tư vấn và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS ở Thanh Hoá đã thu được một số kết quả khả quan. Chương trình tư vấn xét nghiệm tự nguyện đã mở được 20 phòng tư vấn tại các huyện,thị, TP, nhiều người nhiễm HIV/AIDS được tư vấn và biết kết quả xét nghiệm HIV của mình.

Kết quả các cuộc điều tra cho thấy, nhiều người nhiễm HIV/AIDS đã nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng, đa số là sự hỗ trợ về tinh thần và tư vấn từ cán bộ y tế. Công tác chăm sóc cho người HIV/AIDS tại nhà trong năm 2015 cũng được đẩy mạnh và xem là một hoạt động rất quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Được chăm sóc tại nhà, người nhiễm HIV/AIDS sẽ được động viên, hỗ trợ về mặt tinh thần, dinh dưỡng một cách tốt nhất.

Thanh Hóa đã và đang tiếp tục triển khai các nội dung phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu là vận động và truyền thông thay đổi hành vi mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị bằng thuốc kháng vi rút cho người nhiễm HIV/AIDS  với các mục tiêu cụ thể như sau:

1. Thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp) và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030;

2. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS;

3. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động  phòng, chống HIV/AIDS.4. Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.

Với những nỗ lực và cố gắng của ngành Y tế Thanh Hóa cũng như sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể trong tỉnh. Thanh Hóa quyết tâm triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS để hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 hướng tới kết thúc AIDS.