Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch phát triển năm 2022 tại hội nghị nêu rõ, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của hai đợt bùng phát dịch Covid-19; song, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, vừa bao quát toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm “nhiệm vụ kép”. Trong đó, đã tập trung chỉ đạo hoàn thành một khối lượng rất lớn các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch, quy trình, quy chế hoạt động; quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các sở, ngành, địa phương, nhất là những vướng mắc, bất cập tồn đọng từ những năm trước; kịp thời ban hành các văn bản tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,61 triệu tấn, vượt 4,5% kế hoạch; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,93% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,7%; giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt 5.339 triệu USD, vượt 33,5% so với kế hoạch, tăng 42,7%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 6.616 triệu USD, tăng 24,4%. Thu Ngân sách nhà nước cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 32.420 tỷ đồng, vượt 22% dự toán năm và tăng 3% so với cùng kỳ...
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Đã chủ động linh hoạt, điều chỉnh kế hoạch kết thúc năm học 2020- 2021 phù hợp với tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao tiếp tục đạt được những kết quả tích cực; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống Nhân dân được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, báo cáo cũng đã thẳng thắn chỉ rõ 9 nội dung tồn tại hạn chế và chỉ rõ những nguyên nhân của những hạn chế yếu kém.
Về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022, báo cáo đề ra 25 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó về kinh tế có 12 chỉ tiêu chủ yếu; văn hóa- xã hội có 9 chỉ tiêu chủ yếu; về môi trường có 3 chỉ tiêu chủ yếu; về an ninh trật tự có 1 chỉ tiêu chủ yếu. Báo cáo cũng đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện...
Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII sẽ nghe, thảo luận và thông qua các báo cáo gồm: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022; Thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVIII; Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa về kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh khoá XVIII; Báo cáo của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa về tình hình tội phạm và công tác kiểm sát năm 2021; Báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa về công tác xét xử, thi hành án hình sự năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV; Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa về kết quả giám sát việc thực hiện quản lý Nhà nước về cấp thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến nay.
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng sẽ xem xét quyết định 38 tờ trình của UBND tỉnh Thanh Hóa về những vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính- ngân sách, đất đai, biên chế, các cơ chế, chính sách, chủ trương đầu tư các dự án… các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; bầu bổ sung Phó Trưởng ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026.
Theo kế hoạch, Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII sẽ diễn ra từ ngày 8-10/12.