Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thanh Hóa: Khi Bí thư Tỉnh ủy ‘đi Tết’ doanh nghiệp

Để thu hút đầu tư, xây dựng xứ Thanh giàu đẹp, văn minh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nói vui rằng, phải tiên phong “đi Tết” doanh nghiệp, tạo niềm tin cho nhà đầu tư…

 

“Đi Tết” nhà đầu tư

Chia sẻ thẳng thắn với PV VTC News, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến nói: “Câu chuyện thu hút nhà đầu tư, Thanh Hóa trước kia rất nặng nề chuyện này, vì luôn coi nhà đầu tư đến phải hầu, phục vụ những cán bộ có chức, có quyền quyết định vấn đề đầu tư ở đây, cái đó rất nguy hiểm”.

Thế nên, xúc tiến đầu tư ở Thanh Hóa có rất nhiều khó khăn. Vì thực tế giữa việc đi vận động và việc giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư là không thống nhất với nhau. Cho nên, người ta có đến đâu. Thanh Hóa đã có thời kỳ tai tiếng về việc này.

“Khi tôi làm Chủ tịch tỉnh, tôi phải đi vận động nhưng người ta không tin nữa, không nghe nữa. Như một nhà đầu tư từng bảo trước nghe sợ quá, nhưng giờ Thanh Hóa có phải như thế đâu. Giờ FLC đầu tư 17.000 tỷ, Vingroup đầu tư 10.000 tỷ, Sungroup ký ghi nhớ 10.000 tỷ. Đó là những bằng chứng sống động nhất về thu hút đầu tư”, ông Chiến chia sẻ với PV.

 Bí thư Trịnh Văn Chiến: "Lãnh đạo địa phương phải cảm ơn nhà đầu tư, phải lặn lội đến với nhà đầu tư, phải gặp gỡ nói chuyện với nhà đầu tư, phải rải thảm mời họ". Ảnh Đức Thuận 

Cũng theo ông Chiến, quan điểm đầu tiên phải coi nhà đầu tư mang tiền đầu tư cho tỉnh mình thì tỉnh được rất lớn: Được thu thuế, được công ăn việc làm cho người dân, được hình ảnh và uy tín của Thanh Hóa trong cả nước. Mình cần cái đó, lãnh đạo địa phương phải cảm ơn nhà đầu tư, phải lặn lội đến với nhà đầu tư, phải gặp gỡ nói chuyện với nhà đầu tư, phải rải thảm mời họ. Tránh chuyện trên rải thảm, dưới rải đinh. Đấy, "đi Tết" nhà đầu tư là nói vui vậy đấy!

Không những không được "hành" nhà đầu tư, mà nếu nhà đầu tư có đóng góp thì tỉnh sẽ vinh danh họ. Chính vì thế, ngày 2/7 vừa qua, tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021, đã ra nghị quyết vinh danh thường niên nhà đầu tư có đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.

“Cái quan trọng là niềm tin nhà đầu tư với cấp ủy, chính quyền và bộ máy lãnh đạo. Phải làm cho nhà đầu tư tin, vướng mắc gì thì chỉ đạo xử lý ngay. Tôi tin anh, tôi mới mang tiền đến đầu tư tỉnh anh. Nguyên lý rất đời thường, đó là niềm tin với nhau thôi”, Bí thư Trịnh Văn Chiến tâm sự.

Sầm Sơn là điểm nhấn về sự đổi thay kỳ diệu của Thanh Hóa, nhờ chính sách thu hút đầu tư thông thoáng. Ảnh Đức Thuận 

Có lẽ chính vì thế, hiện Thanh Hóa đã thu hút được nhiều nhà đầu tư. Những tập đoàn lớn nhất Việt Nam đã đầu tư vào đây. Ngoài ra, Thanh Hóa xác định phải xúc tiến đầu tư cả nước ngoài, nhưng đầu tư trong nước cũng hết sức quan trọng, vì có nhiều yếu tố thuận lợi về ngôn ngữ văn hóa, niềm tin…

Chia sẻ với PV, ông Chiến rút ra bài học: “Làm lãnh đạo đầu tiên phải có trí tuệ, không có trí tuệ thì làm gì cũng run. Sở này quan điểm này, Sở kia quan điểm kia, không có trí tuệ không dám quyết, thậm chí làm chậm, mất thời cơ…Ông quyết liệt hay không cũng phải xuất phát từ ông có trí tuệ hay không, nhưng cái tâm phải sáng, phải vì cái chung của tỉnh. Cái đó nói thì dễ nhưng thực tiễn lại rất khó, không phải ai cũng làm được. Nếu trên nền tảng là lo cho sự phát triển của tỉnh, có trí tuệ thì sự quyết liệt mới có cơ sở và tạo ra sự bứt phá đi lên. Đó là bài học hết sức quan trọng, Thanh Hóa có ngày hôm nay là từ bài học đó”.

Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ

Có thể nói, Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong việc ban hành tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ, dựa trên tinh thần xây dựng đội ngũ lãnh đạo có bầu máu nóng.

Bí thư Chiến kể: “Năm 2011, khi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh, tôi đã cho xây dựng tiêu chí đánh giá Giám đốc Sở, chủ tich huyện, thị, thành. Tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ giám đốc sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị và UBND tỉnh cho điểm, thang điểm 100. Dưới 70 điểm chỉ hoàn thành nhiệm vụ thôi, dưới 50 điểm không hoàn thành nhiệm vụ, trên 90 là xuất sắc. Rất minh bạch.

Khi đưa ra tiêu chí này, có sự phản đối ghê gớm. Tôi nói, chủ trương đúng không, tốt không? Các ông à uôm quen rồi nhảy dựng lên. Các cựu lãnh đạo gọi cho tôi nói UBND đang loạn cả lên, tôi bảo: Các bác yên tâm, cái này tốt thôi. Sẽ ổn cả thôi”.

Trước đó, tỷ lệ giải quyết thủ tục đúng hạn chỉ có 84%, nhưng sau khi ban hành bộ tiêu chí, thì chỉ tiêu này lên tới 98-99%, có tháng đạt 100%. “Sợ trừ điểm nên phải làm tích cực, không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm sẽ bị chuyển công tác, hoặc giáng chức”, ông Chiến kiên quyết.

Cùng đó, Thanh Hóa đã thiết lập hệ thống giám sát xử lý các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thanh tra kiểm soát xử lý.

“Phải có công cụ giám sát, đó là trí tuệ của nhà quản lý. Đó là lý do tại sao mấy năm qua, Thanh Hóa thay đổi như vậy. Cái nhìn rõ nhất là chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) trước năm 2010, năm tốt nhất là năm 2007 đứng 38, năm 2009 tệ nhất là đứng 52, còn lại đứng vị trí 43, 44, rất xấu hổ. Thậm chí, không dám đi họp VCCI công bố chỉ số này… Sau đó vươn lên đứng thứ 8, thay đổi ngoạn mục. Đó là nhờ đánh giá chất lượng cán bộ, là giám sát…”, Bí thư Chiến nói.

"...Quyết tâm trong ý chí, quyết liệt trong hành động"

Ngày 20/2/1947, lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, tại thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, trong buổi nói chuyện với các đại biểu nhân sỹ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, Bác Hồ đã căn dặn: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.

“Trong đầu mình nghĩ, đây là phương châm hành động. Tôi nghĩ nên làm cái biển này ở tất cả các công sở. Hàng ngày đi đến làm việc, hội họp đều thấy lời dặn của Bác. Từ đó, cán bộ phải suy nghĩ làm thế nào, lãnh đạo thế nào để phấn đấu đạt được mục tiêu...

Sau đó, đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đến năm 2020 phải có 10% cơ quan đơn vị kiểu mẫu, chỉ tiêu cao hơn cả nông thôn mới. Chúng tôi đã xây dựng tiêu chí rõ ràng”, ông Chiến nói đầy tâm huyết.

"Trong bài phát biểu bế mạc đại hội, tôi nói: Phải thống nhất về nhận thức, quyết tâm trong ý chí, quyết liệt trong hành động thì nhất định chúng ta sẽ thành công.

Thống nhất về nhận thức là gì? Là nhận thức truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng và những đóng góp hy sinh của Thanh Hóa cho sự đi lên và trường tồn của dân tộc Việt Nam đến hôm nay.

Sức mạnh con người Thanh Hóa chính là sự quyết liệt, là ý chí lớn, can trường; tỉnh Thanh Hóa đang tràn đầy ý chí vươn lên trở thành tỉnh phát triển. Thời cơ vận hội đã và đang đến. Phải vận dụng thất tốt để phát triển... Khi anh hiểu được điều đó thì hành động phải quyết liệt. Có như thế thì mới thành công được...", Bí thư Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu bế mạc đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến phát biểu: "Phải thống nhất về nhận thức, quyết tâm trong ý chí, quyết liệt trong hành động thì nhất định chúng ta sẽ thành công". 

Trong các buổi làm việc của PV VTC News với nhiều lãnh đạo các cấp của tỉnh Thanh Hóa, như Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Minh Tuấn, rồi Giám đốc Sở VH-TT&DL Phạm Duy Phương, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Lê Ngọc Chiến…, lúc nào cũng thấy sự tất bật, khẩn trương - điều mà trước đây chưa phải là hình ảnh dễ thấy ở xứ Thanh…

Điều đáng lưu ý hơn nữa, tôi đang cảm nhận được rằng, lãnh đạo các cấp của tỉnh Thanh Hóa đang nhất tâm, đồng lòng trong ý chí và hành động để xây dựng hình ảnh xứ Thanh đẹp thực sự. Mỗi một người, mỗi một vị trí, chức vụ là một sự đóng góp vì mục tiêu chung đó.

Nhìn không khí làm việc khẩn trương, tất bật, trên dưới đồng thuận của Thanh Hóa, nhất là chứng kiến dàn lãnh đạo kế cận còn khá trẻ và đầy nhiệt huyết đang được tôi luyện, thử thách ở nhiều vị trí, người ta có đủ niềm tin mạnh mẽ về sự bứt phá diệu kỳ của xứ Thanh trong thời gian tới…