Theo kế hoạch, ngày 26/10, tại TP Sầm Sơn sẽ khởi công xây dựng Dự án Quảng trường biển và Tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn gần 25.000 tỷ đồng.
Theo thiết kế, Dự án Quảng trường biển và Tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn được UBND tỉnh Thanh Hoa phê duyệt gồm các hạng mục: Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn và các dự án đối ứng với tổng quy mô khoảng 550 ha gồm, Khu đô thị quảng trường biển Sầm Sơn, Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng sông Đơ tại Sầm Sơn, Khu công viên vui chơi giải trí và đô thị Nam Sông Mã.
Dự án chia thành 2 khu vực, Khu Quảng trường biển, phố đi bộ và Khu vực trục cảnh quan lễ hội. Quảng trường biển Sầm Sơn gồm các hạng mục tượng đài, tuyến phố đi bộ, đài phun nước, hệ thống cây xanh cùng với trục cảnh quan lễ hội kết nối thẳng đến Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng sông Đơ tương lai, có sức chứa hơn 10.000 người. Trung tâm của quảng trường là bức tượng đài cao hơn 60m, dự kiến sẽ trở thành biểu tượng mới của thành phố biển Sầm Sơn.
Quảng trường biển sẽ là nơi tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao quy mô; là không gian công cộng chính của Sầm Sơn, phục vụ cho cộng đồng. Ngoài Quảng trường biển, Tổ hợp dự án còn có Khu đô thị Quảng trường biển Sầm Sơn và Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng sông Đơ sẽ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm của dòng khách cao cấp.
Bên cạnh đó, Khu công viên vui chơi giải trí và đô thị Nam Sông Mã có quy mô hơn 130 ha được phát triển theo hướng công viên chủ đề mang thương hiệu Sun World sẽ trở thành trung tâm giải trí mới của miền Bắc, với các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng, hiện đại cho hàng triệu du khách trong nước và quốc tế.
Trước đó, ngày 23/10, tại xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn, Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa đã khởi công dự án đầu tư xây dựng đường nối TP Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân với tổng mức đầu tư 3.567 tỷ đồng.
Dự kiến trong năm 2022 khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến đường nối TP Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian từ TP Thanh Hóa đến Cảng Hàng không Thọ Xuân, tạo thành trục cảnh quan đô thị cho việc phát triển TP Thanh Hóa về phía Tây; đồng thời là trục kết nối TP Thanh Hóa với tuyến cao tốc Bắc - Nam, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực. Tuyến đường sẽ góp phần quan trọng giúp tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt quy hoạch đưa Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có quy mô công suất đạt 5 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2030 và đạt 20 triệu hành khách/năm vào năm 2050.
Ngày 23/10, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cùng với Công ty Cổ phần Xi măng Đại Dương khởi công xây dựng tổ hợp nhà máy xi măng Đại Dương tại xã Nghi Sơn. Tổ hợp này bao gồm nhà máy xi măng Đại Dương 1, nhà máy xi măng Đại Dương 2 và nhà máy sản xuất vôi công nghiệp Đại Dương. Hai nhà máy xi măng có công suất là 4,6 triệu tấn xi măng/năm. Còn công suất nhà máy sản xuất vôi công nghiệp 600 nghìn tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của tổ hợp dự án khoảng 9.120 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sản xuất trong quý III/2022, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương...
Ngoài các dự án qui mô hàng chục nghìn tỷ đồng được triển khai xây dựng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh vui mừng đón nhận nhiều công trình khánh thành và đưa vào sử dụng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động như: Khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn giai đoạn 1 có công suất 1 triệu tấn phôi thép/năm và 1 triệu tấn thép cán thành phẩm/năm, thuộc Tổ hợp Khu Liên hợp gang thép Nghi Sơn, có tổng công suất 7 triệu tấn/năm theo quy hoạch đã được phê duyệt. Dự án sử dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay là đúc cán liên tục, các lò điện công suất 50 tấn/mẻ kết hợp với máy đúc phôi 4 dòng được liên tục nạp nóng vào hệ thống máy cán với các Block cán tốc độ cao. Từ Quý II/2020, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn chính thức vận hành thương mại, cung cấp cho thị trường các loại phôi thép, các loại sản phẩm thép cán theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và Nhật Bản. Dự án vận hành thành công và đi vào sản xuất ổn định đã tạo động lực tích cực đến sự phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, tạo gần 2.000 việc làm, dự kiến đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng vào ngân sách của tỉnh mỗi năm.
Khánh thành Nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu protein và Nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía của Công ty CP Mía đường Lam Sơn. Trong đó, Nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu protein có công suất chế biến 120 triệu hộp/năm, tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, sử dụng thiết bị chủ yếu được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản; Dự án Nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía có công suất 120 triệu hộp/năm, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay của Cộng hòa Liên bang Đức với số vốn đầu tư 245 tỷ đồng.
Với những thành tựu toàn diện đã đạt được về kinh tế - xã hội; hàng loạt các dự án qui mô lớn với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, trong tương lai sẽ tạo việc làm cho hàng triệu lao động địa phương, thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng đã minh chứng cho những cố gắng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Thanh Hóa nỗ lực hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Bộ Chính trị đã ban hành ngày 5/8/2020. Đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh phát triển giàu mạnh trong tương lai không xa.