Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thanh Hóa: Kiến nghị di dời nhà máy phân bón Sao Nông ra khỏi khu dân cư

Nhiều ngày qua, hàng trăm người dân thôn Đa Sỹ (xã Đông Vinh, TP.Thanh Hóa) đã phản đối với yêu cầu Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông, thuộc Cty cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Cường Phát (gọi tắt là Cty Cường Phát) dừng sản xuất vì gây ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn...

 

Người dân phản đối Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông gây ô nhiễm môi trường.

 

Phớt lờ ý kiến của cơ quan chức năng…

Theo phản ánh của người dân thôn Đa Sỹ, nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông (Nhà máy Sao Nông) nằm cách khu dân cư khoảng 100m. Tuy mới đi vào hoạt động được hơn ba tháng, nhưng hoạt động sản xuất từ khu vực nhà máy này đã có nhiều khói bụi, gây ô nhiễm môi trường, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường, nhiều ngày qua, người dân thôn Đa Sỹ đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng ở tỉnh Thanh Hóa, đồng thời tập trung phản đối ngay trước khu vực nhà máy sản xuất, yêu cầu phía doanh nghiệp dừng ngay hoạt động sản xuất tại nhà máy.

Trước tình hình trên, đoàn công tác liên ngành tỉnh Thanh Hóa gồm: UBND TP.Thanh Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an… đã về kiểm tra, làm việc với lãnh đạo Nhà máy Sao Nông. Sau khi kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành kết luận: Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông chưa thực hiện đầy đủ giải pháp xử lý bụi, khí thải tại dây chuyền vê viên. Trước khi đi vào hoạt động, Cty Cường Phát không thực hiện báo cáo việc vận hành thử nghiệm dây chuyền sản xuất của Nhà máy, chưa đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại….

Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã yêu cầu Cty Cường Phát tạm dừng hoạt động Nhà máy Sao Nông để khắc phục các vấn đề xử lý chất thải, có sự chấp thuận của các cơ quan chức năng mới được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, không những không khắc phục các vấn đề xử lý chất thải theo kết luận của đoàn kiểm tra, Cty Cường Phát còn ngang nhiên cho Nhà máy Sao Nông hoạt động trở lại. Trước động thái của Nhà máy Sao Nông, hàng trăm người dân thôn Đa Sỹ lại tập trung tại khu vực cổng nhà máy để phản đối, yêu cầu dừng ngay hoạt động sản xuất gây ô nhiễm...

Kiến nghị di chuyển nhà máy vì nhiều sai phạm

Trước sự bất hợp tác, bất chấp pháp luật từ phía Cty Cường Phát, UBND TP.Thanh Hóa đã có công văn đề nghị Cty Điện lực Thanh Hóa tạm ngừng cung cấp điện cho Nhà máy Sao Nông từ 21giờ ngày 10/3/2016. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục vào cuộc, thanh tra, kiểm tra làm rõ những sai phạm tại nhà máy này.

Văn bản chỉ ra các sai phạm của Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông.

Qua kiểm tra lại hồ sơ, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Đoàn kiểm tra đã có kết luận tại Văn bản số 689/UBND-TNMT ngày 10/3 của TP.Thanh Hóa: “Các sai phạm của Cty Cường Phát trong quá trình hoạt động của Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông đã vi phạm Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 10: Trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, quy định tại Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015. Vi phạm Khoản 1, Điều 5: Hướng dẫn điều kiện thực hiện sản xuất phân bón vô cơ quy định tại Thông tư 29/2014/TT-BTC ngày 30/9/2014, quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất vô cơ, đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ. Trong đánh giá tác động môi trường của Cty Cường Phát, việc đánh giá tác động của mùi hôi do nguyên liệu hoặc do sản xuất không kịp từ bãi tập kết nguyên liệu và từ sân phơi nguyên liệu… đến khu dân cư gần nhất là không chính xác với thực tế, do vậy chưa có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Về quy hoạch: “Khoảng cách cách li vệ sinh của nhà máy đối với khu vực dân cư gần nhất không đảm bảo theo quy định tại Quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng QCXDVN 01: 2008/BXD; Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4449-1987 về quy hoạch xây dựng đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế. Công ty không nghiêm túc dừng sản xuất theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Khu đất nhà máy phân bón Sao Nông trước đó đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp cho Doanh nghiệp Hùng Hòa với diện tích 12.499m2 để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy sản xuất đá và vật liệu xây dựng. Việc thay đổi chức năng sử dụng đất nêu trên, cần làm rõ việc sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường, công trình hiện có…”.

Dựa trên cơ sở kết luận đoàn kiểm tra liên ngành, UBND TP.Thanh Hóa đã kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét di chuyển Nhà máy Sao Nông tại thôn Đa Sỹ, xã Đông Vinh, để đảm bảo khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường đối với khu dân cư.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Thanh Hóa sớm có hướng xử lý dứt điểm những sai phạm trong hoạt động sản xuất, gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy Sao Nông, giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống.