Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm đến ngày 30/6/2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là hơn 579 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm trên 106 tỷ đồng; nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên 263 tỷ đồng; nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên 209 tỷ đồng. Vốn vay tín dụng chính sách đã giúp nhiều người dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Trước đây, gia đình anh Hà Văn Ban, ở xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh là hộ nghèo, kinh tế khó khăn, gia đình anh được NHCSXH huyện Lang Chánh cho vay vốn chương trình hộ nghèo để đầu tư trồng rừng và chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm nên sản xuất hiệu quả, cuộc sống ổn định hơn và năm 2018 gia đình anh thoát nghèo.
Khi mới ra khỏi danh sách hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo của gia đình anh Ban cao do thiếu vốn để tiếp tục mở rộng sản xuất. Anh Ban chia sẻ, được tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, NHCSXH huyện Lang Chánh tạo điều kiện, đầu năm 2019, gia đình được vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Có vốn, anh tiếp tục đầu tư vào nuôi bò, lợn, trồng rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Đến nay, ngoài 6,5 ha trồng rừng, từ cặp bò đầu tiên mua bằng nguồn vốn vay NHCSXH Lang Chánh, gia đình anh đã có 11 con trâu bò, 1 lợn nái sinh sản, hơn chục con lợn thịt và đã ổn định cuộc sống, thu nhập hàng năm của gia đình anh đạt hơn 100 triệu đồng. Hiện, gia đình anh Ban trở thành một trong những gia đình điển hình thoát nghèo bền vững của xã và huyện.
Cũng được NHCSXH huyện Triệu Sơn tạo điều kiện vay vốn từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, gia đình anh Bùi Hồng Minh, ở xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn vay chính sách.
Anh Minh cho biết: “Nhiều năm liền là hộ nghèo, gia đình luôn mong muốn có nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Năm 2014, tôi được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Nhờ số vốn này, gia đình tôi đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và thoát nghèo năm 2016”.
Với ý chí quyết tâm thoát nghèo bền vững, sau khi trả hết nợ cũ, năm 2019, anh Minh tiếp tục vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng để kiên cố chuồng trại và mua thêm giống bò sinh sản về nuôi. Hiện trong chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh Minh đã có 10 con bò sinh sản, 60 con lợn thương phẩm, mỗi năm xuất bán từ 5 - 7 con bò và hơn 1 tấn lợn thương phẩm, bình quân hàng năm thu lãi gần 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó Giám đốc NHCSXH Thanh Hóa, cho biết: “Để thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, NHCSXH Thanh Hóa đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp tục được vay vốn mới để tái đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Ngân hàng còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp, tổ tiết kiệm và vay vốn để triển khai các giải pháp về bình xét vay vốn, tổ chức kiểm tra sau khi giải ngân nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong hoạt động giao dịch. NHCSXH Thanh Hóa cũng vừa rà soát và đề nghị NHCSXH Trung ương bổ sung thêm kinh phí để hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; kinh phí cho chương trình giải quyết việc làm để hỗ trợ kịp thời người lao động có hoàn cảnh khó khăn từ các địa phương khác trở về quê hương làm việc. Tín dụng chính sách thông qua vốn vay hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm khác đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động, góp phần không nhỏ vào phát triển đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương” – ông Trứ thông tin.