Phát động phong trào bảo vệ Môi trường của đoàn Thanh niên Thanh Hóa.
Trên cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp…Trước thực trạng trên, trong những năm qua, các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được bổ sung và hoàn thiện từng bước. Nhìn chung, nhận thức, ý thức của người dân và doanh nghiệp đã được nâng lên; nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý; một số khu vực ô nhiễm đã được cải tạo, phục hồi.
Trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường ngày 24/8 vừa qua do Chính phủ tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cũng đã nhấn mạnh, trong những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về công tác tuyên truyền, phòng ngừa, hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; công tác quản lý chất thải rắn; đầu tư công cho công tác BVMT; đặc biệt đã nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về BVMT; sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng quyết liệt. BVMT là 1 trong 5 vấn đề bức xúc cần tập trung giải quyết trong giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT, đồng chí đề nghị: cần hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về BVMT, đặc biệt là bộ phận thanh, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các cấp; tăng cường hiệu quả công tác quan trắc dự báo diễn biến môi trường; đề nghị Chính phủ quan tâm ban hành một số cơ chế, chính sách về BVMT; đồng thời có chính sách khuyến khích vùng trồng gỗ lớn để kéo dài chu kỳ thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng rừng, giá trị gia tăng của sản phẩm; quan tâm hỗ trợ triển khai các dự án trồng rừng ngập mặn...
Tháng 7, ngành TN&MT Thanh Hóa đã kiểm tra, giám sát 11 đơn vị sau khi có Quyết định phê duyệt Báo cáo ĐTM, Đề án BVMT; Kiểm tra, xác minh theo nội dung phản ánh của các cơ quan báo chí, phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Khu nhà ở và dịch vụ phục vụ Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; tình trạng các đường ống xả nước thải khu vực sân golf của Công ty CP Tập đoàn FLC gây ô nhiễm nguồn nước và đất, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; việc Doanh nghiệp tư nhân Toàn Thắng và Hà Liên gây ô nhiễm tiếng ồn và độ rung ảnh hưởng đến khu vực xung quanh; chủ trì, phối hợp với Cảnh sát môi trường, UBND huyện Tĩnh Gia, BQL Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp kiểm tra, giám sát việc xả thải từ hoạt động súc rửa đường ống dẫn dầu của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Qua kết quả kiểm tra, Sở đã có các văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; tổ chức 19 Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM và đề án cải tạo phục hồi môi trường, đề án cải tạo môi trường bổ sung các dự án đầu tư; 8 Kế hoạch Bảo vệ môi trường. Đôn đốc 10 đơn vị khai thác khoáng sản ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền gần 500 triệu đồng, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp 35 đơn vị, số tiền 95,64 triệu đồng. Triển khai chương trình quan trắc môi trường năm 2016.
Từ nay đến cuối năm 2016, ngành TN&MT tiếp tục tổ chức giám sát môi trường của các cơ sở sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, đề án BVMT. Thẩm định hồ sơ xin rút khỏi Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của các cơ sở đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Hướng dẫn các cơ sở làm thủ tục đăng ký nguồn thải chất thải nguy hại. Tổ chức các Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án cải tạo, phục hồi môi trường đối với các dự án đầu tư mới trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường hưởng ứng Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2016. Tiếp tục triển khai chương trình quan trắc môi trường năm 2016. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Hoàn thành việc xây dựng cơ chế hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo UBND tỉnh ban hành.
Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch cải cách hành chính năm 2016. Nghiêm túc thực hiện nội dung “3 không”, cơ chế một cửa, một của liên thông; quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.