Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Thanh Hóa: Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS

Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác). Trong những năm qua, ngành y tế Thanh Hoá đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS

Để giảm đến mức thấp nhất số người nhiễm, tử vong do HIV/AIDS, những năm qua, ngành y tế Thanh Hoá đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam trên địa bàn Thanh Hóa trong giai đoạn này đã đào tạo mới, đào tạo nâng cao về các lĩnh vực chăm sóc điều trị HIV; tư vấn xét nghiệm; xét nghiệm HIV; tiếp cận cộng đồng; cải thiện chất lượng... cho gần 3.000 cán bộ y tế, đồng đẳng viên và các ban, ngành, đoàn thể, chiếm gần 90% số lượng cán bộ được đào tạo về HIV/AIDS trong toàn tỉnh; tập huấn và tập huấn nâng cao cho các cán bộ phòng khám và điều trị ngoại trú HIV/AIDS về cải thiện chất lượng chăm sóc điều trị bệnh nhân, giám sát đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ, duy trì hoạt động của nhóm hỗ trợ kỹ thuật các chương trình chăm sóc điều trị HIV/AIDS tuyến tỉnh.

Bên cạnh đó còn hướng dẫn kỹ năng tiếp cận, tư vấn người nhiễm HIV vào cơ sở điều trị; những hoạt động can thiệp nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; hoạt động can thiệp nhằm giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong các nhóm người có nguy cơ cao ở tuyến xã, phường; quản lý người nhiễm HIV tại cộng đồng...

Thanh Hóa: Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS - Ảnh 1.

Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS 2019

Việc tiếp nhận những kiến thức bổ ích và thiết thực về các hoạt động chuyên trách phòng chống HIV/AIDS, giúp cho các học viên áp dụng kiến thức và kỹ năng vào trong công việc khám chữa bệnh hàng ngày tại đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Mỗi cán bộ y tế sẽ là một tuyên truyền viên giỏi tham gia tuyên truyền tại cộng đồng góp phần giúp người nhiễm HIV tự tin sinh hoạt cộng đồng, tránh cái nhìn cực đoan về cuộc sống, có thêm động lực để đấu tranh, đẩy lùi bệnh tật. 

Nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

Năm 2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho hơn 300 nhân viên y tế thôn bản tại 5 huyện: Như Thanh, Hà Trung, Nông Cống, Hoằng Hóa và Thiệu Hóa. Đồng thời, tăng cường điều tra tiếp cận tư vấn người nhiễm HIV/AIDS ngoài cộng đồng đưa vào điều trị ARV sớm, hạn chế thấp nhất lây nhiễm trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp). Đây là những mục tiêu cần thiết và quan trọng nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ của người nhiễm HIV và hướng tới mục tiêu chung kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Thanh Hóa: Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS - Ảnh 2.

Tư vấn cho người cai nghiện

Công tác giám sát HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được tăng cường. Toàn tỉnh hiện có 28 phòng tư vấn xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; đã triển khai dịch vụ điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone 27 cơ sở điều trị và 17 điểm cấp phát thuốc cho 24 huyện, thị xã, thành phố với gần 3.000 bệnh nhân. Chương trình chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS tích cực được thực hiện tại 34 cơ sở. Tính đến 31/8, có 3.830 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV, trong đó có 3.733 bệnh nhân điều trị ở phác đồ bậc 1, 97 bệnh nhân điều trị ở phác đồ bậc 2, 788/3.830 tại 3 đơn vị: Ngọc Lặc, Thọ Xuân và TP.Thanh Hóa đang điều trị thuốc ARV từ nguồn thuốc bảo hiểm y tế.

Trong các mục tiêu trên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình là mục tiêu hết sức quan trọng, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp. Với tinh thần đó Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa tập trung vào chủ đề "Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020".

Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hoá cho biết: "Để triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian tới, các ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong tỉnh Thanh Hoá tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS ở các ngành, các địa phương, đơn vị. Duy trì công tác dự phòng và can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS. Tăng cường giám sát, phát hiện HIV/AIDS, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS".

 "Trong những năm qua, được sự hỗ trợ nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia về HIV/AIDS, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, công tác truyền thông phòng lây nhiễm HIV/AIDS được triển khai rộng khắp với nhiều nội dung và hình thức phong phú, góp phần làm giảm sự kỳ thị, xa lánh và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS so với những năm trước đây",  ông Hùng cho biết thêm.

Được biết, trong thời gian tới ngành y tế tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai đồng bộ các chương trình can thiệp giảm tác hại, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS, theo dõi, giám sát đánh giá truyền thông và huy động cộng đồng trong công tác phòng chống HIV/AIDS, tổ chức nhiều buổi tập huấn, đào tạo, hội nghị tuyến xã về việc triển khai thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90, nhất là tổ chức nhiều đợt lưu động tìm kiếm bệnh nhân nhiễm HIV và triển khai điều trị HIV/AISD ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực biên giới, tiếp tục triển khai toàn diện, có hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.