Tỷ lệ nữ tham chính còn thấp
Trong 5 năm (2011-2015) công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) ở Thanh Hóa đã có bước chuyển biến biến rõ nét. Các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hành động bình đẳng giới đã được lồng ghép vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đây là điều kiện quan trọng để phụ nữ và nam giới được phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và trong gia đình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động về Bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020
Công tác cán bộ nữ đã có một bước tiến mới, song tỷ lệ phụ nữ giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo các cấp, các nghành trong giai đoạn 2011-2015 đạt tỷ lệ rất thấp, đặc biệt là ở các vị trí lãnh đạo cấp trưởng, cán bộ là nữ chủ yếu vẫn giữ vị trí cấp phó. Việc triển khai công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển còn chưa chủ động và chưa có chiến lược tạo nguồn lâu dài. Các chính sách với cán bộ nữ vẫn còn tùy thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo từng đơn vị, địa phương nên khoảng cách giữa các kết quả đạt được trong công tác cán bộ nữ hiện nay còn khá xa so với mục tiêu đề ra.
Nhiệm kỳ 2011-2015, cán bộ nữ là lãnh đạo ở cấp tỉnh chỉ có 6/67 đồng chí là Ủy viên BCH Đảng bộ chiếm 8,9% (đầu nhiệm kỳ 10,14%); có 1/16 nữ là ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, chiếm 6,25% (đầu nhiệm kỳ 11,7%); trong nhiệm kỳ Trung ương luân chuyển về 01 nữ Phó Bí thư Tỉnh ủy; 28/262 chị la giám đốc, phó giám đốc các sở và trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chiếm 10,3% (đầu nhiệm kỳ 11%). Ở cấp huyện có 1 chị là Chủ tịch UBND huyện, 9 chị là Phó chủ tịch HĐND, UBND; 154/1.090 là Ủy viên BCH huyện ủy, đạt 14,3%. Lãnh dạo các phòng, ban và tương đương có 180/1.148 người là nữ chiếm 15,68%... Ở cấp xã, cán bộ chuyên trách là nữ có 999/6.765 người, chiếm 14,96%; công chức là nữ có 2.001/7.696 người, chiếm 26%...Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 18,75%...
Nhiều rào cản với nữ giới
Những định kiến về giới còn tồn tại trong nhân dân và cả một bộ phận cán bộ đã gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, một bộ phận phụ nữ tự ti, thiếu ý chí phấn đấu, sự nhận thức chưa đầy đủ của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, chưa dành sự quan tâm lãnh đạo trong công tác bình đẳng giới, sự phối hợp triển khai thực hiện giữa các ngành còn chưa chặt chẽ.
Việc triển khai lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế còn nhiều khó khăn, lúng túng, lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa rõ nét; phần lớn cán bộ lại làm công tác kiêm nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện; một số đơn vị xu hướng không muốn tuyển dụng cán bộ nữ vì ngại thực hiện lý do thai sản cùng với những khó khăn trong quá trình thực hiện... đã trở thành lý do chính cản trở phụ nữ tham chính.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của nữ giới
Phát huy tiềm năng to lớn của lực lượng nữ nguồn lực quan trọng của đất nước, là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Để nâng cao năng lực và phát huy hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống bộ máy đảng, nhà nước và đoàn thể ở nước ta trong tình hình mới, thực hiện Kế hoạch hoạt động về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị: Nâng cao tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 lên trên 15%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp lên trên 30%. Đến năm 2020, đạt trên 40% các sở, ngành, UBND các cấp có lãnh đạo nữ là chủ chốt; đạt trên 40% trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo là nữ nếu cơ quan có tỷ lệ 30% trở lên nữ là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Bên cạnh đó, giảm khoảng cách về giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đảm bảo sự bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới... qua đó, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.