Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thanh Hóa: Tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững

Để thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, mới đây, Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chương trình “Giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020”. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa sẽ giảm tỉ lệ chuẩn nghèo theo chuẩn đa chiều dưới mức bình quân chung của cả nước; tăng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo gấp 2,5 lần so với năm 2015... PV Báo LĐ&XH đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa xung quanh vấn đề này.

* Xin ông cho biết một số kết quả về công tác giảm nghèo ở Thanh Hóa trong những năm qua?

- Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự đồng thuận triển khai tích cực của các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp; cùng với sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những thành tích, kết quả quan trọng: Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể ở các vùng, miền trong tỉnh, từ 24,86% năm 2011 xuống còn 6,99% vào năm 2015, bình quân giảm 3,57%/năm; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 13,84% xuống 8,76%, bình quân giảm 1,02%/năm;

Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 đã huy động được tổng nguồn vốn ước đạt 49.188 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các vùng nghèo đạt được kết quả tích cực. Đã tiến hành hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo cho trên 150.000 lượt hộ, hỗ trợ cho 548.503 lượt hộ được vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm với tổng doanh số cho vay đạt 9.435 tỷ đồng; tạo điều kiện giúp trên 40.000 hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Huy động được khoảng 3.305 tỷ đồng từ vốn ngân sách và các doanh nghiệp, cùng với nguồn đóng góp của nhân dân đã đầu tư xây dựng và bảo dưỡng trên 2.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh tại các huyện nghèo, xã/thôn bản đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản.

Ông Trịnh Ngọc Dũng.

* Sau khi chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều thu nhập sang đa chiều, Thanh Hóa gặp những khó khăn gì trong công tác giảm nghèo, thưa ông?

- Với cách tiếp cận mới, đo lường hộ nghèo không chỉ căn cứ vào tiêu chí thu nhập mà còn căn cứ vào tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: Trong tổng số 128.893 hộ nghèo, có 56.274 hộ nghèo vừa thiếu hụt thu nhập, vừa thiếu hụt đa chiều các dịch vụ xã hội cơ bản (hộ nghèo cùng cực), chiếm 43,78% số hộ nghèo; 34.123 hộ nghèo thiếu hụt về thu nhập nhưng không thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, chiếm 26,54% số hộ nghèo; 38.496 hộ nghèo không thiếu hụt về thu nhập (có thu nhập trên chuẩn nghèo và dưới chuẩn mức sống tối thiểu), nhưng thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, chiếm 29,68% số hộ nghèo. Vì vậy, chính sách giảm nghèo cũng phải thay đổi, phải kết hợp thực hiện các chính sách giảm nghèo với chính sách bảo trợ xã hội. Vừa tập trung vào các giải pháp phát triển sản xuất, tăng thu nhập vừa phải tập trung vào các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Hộ nghèo không sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; đang ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ; có diện tích nhà ở bình quân đầu người dưới 8m2/người; không được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh; đặc biệt đối với 25,69% số hộ không có lao động, chỉ có người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng tự thoát nghèo.

* Theo ông, đâu là những giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu đến năm 2020, Thanh Hóa sẽ giảm tỉ lệ chuẩn nghèo theo chuẩn đa chiều dưới mức bình quân chung của cả nước, tăng thu nhập bình quân đầu người gấp 2,5 lần năm 2015?

- Ngoài những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo theo từng vùng đã được nêu cụ thể trong Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020, trong thời gian tới cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm sau:Việc xây dựng các giải pháp giảm nghèo phải tập trung vào giải quyết các nguyên nhân dẫn đến nghèo như: Thiếu vốn phát triển sản xuất; thiếu đất canh tác chiếm; thiếu phương tiện sản xuất; thiếu lao động; thiếu việc làm; thiếu tay nghề chiếm; đông người phụ thuộc chiếm; có người ốm đau dài ngày chiếm; mắc tệ nạn xã hội chiếm; chây lười lao động, chi tiêu chưa hợp lý và các nguyên nhân khác,...

Tăng cường đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã; đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên thôn và đường trục thôn, trục chính nội đồng; công trình thủy lợi như: kênh mương liên xã, liên huyện, kênh mương nội đồng; hồ chứa, đập dâng, trạm bơm,... để tăng năng lực tưới, tiêu và sử dụng nước; đầu tư xây dựng hệ thống điện đến 100% thôn, bản chưa có điện lưới. Các huyện, xã phải có khảo sát, đánh giá nguyên nhân dẫn đến nghèo, cận nghèo và nguyện vọng thoát nghèo; điều kiện về lao động, đất đai, nhận thức của từng nhóm hộ làm cơ sở để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp khi có chính sách của nhà nước; tránh hỗ trợ dàn trải, lãng phí nguồn lực, đặc biệt là hỗ trợ về phát triển sản xuất.

Tăng cường tập huấn, hướng dẫn sản xuất, kiến thức khoa học, kỹ thuật; cung cấp, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo gắn với bao tiêu, chế biến và tìm kiếm thị trường sản phẩm đầu ra; khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận và vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm và xuất khẩu lao động phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đặc biệt là vùng miền núi, vùng bãi ngang ven biển. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó tập trung vào các dịch vụ xã hội cơ bản mà các hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt nhiều nhất là: nước sạch và vệ sinh, Nhà ở, Y tế, Giáo dục và đào tạo, tiếp cận thông tin,...

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong công tác giảm nghèo; phân công đỡ đầu hộ nghèo và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, các hộ nghèo, hộ cận nghèo; khen thưởng, động viên kịp thời những hộ nghèo, hộ cận nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo và những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng tại các địa phương.

Riêng đối với nhóm hộ nghèo không có lao động (già cả, neo đơn, khuyết tật,…), không có khả năng thoát nghèo cần tập trung vào các giải pháp trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất, thăm hỏi động viên; hỗ trợ về nhà ở, nước sạch và vệ sinh, y tế, thiết bị tiếp cận thông tin.

* Xin cảm ơn ông!