Nơi nạn nhân Phạm Văn Cường bị nước lũ cuốn trôi vào ngày 15/9
Hai người chết và 357 ngôi nhà bị ngập trong biển nước
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến thời điểm này, mưa bão đã khiến 2 người chết là ông Phạm Văn Cường, sinh năm 1973, xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia, khi đi đánh cá bị nước lũ cuốn trôi ngày 15/9 và cháu Trịnh Văn Tài 1 tuổi, phố Phú Thọ 3, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa, nguyên nhân là do mưa lớn, nước ngập vào nhà nhưng bố mẹ không để ý nên cháu bị ngã từ trên giường xuống dẫn đến bị ngạt nước, sự việc xảy ra vào lúc 18h ngày 15/9.
Bên cạnh đó, có 357 ngôi nhà bị ngập nước, 2 ngôi nhà bị tốc mái, 48 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, trường học bị ảnh hưởng 6 điểm; thiệt hại 1.858 ha lúa, 742 ha hoa màu, 7.000 cây lâm nghiệp bị đổ, gãy; diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 3.007 ha.
Về thủy lợi, đê điều và bờ biển, có 80.100 m3 đê bao nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; đê dưới cấp III bị sạt lở 490m; kè bị sạt lở 320m; cống bị hư hỏng 3 cái; cống Đồng Màu tại K60+870 đê hữu sông Mã (đê cấp IV) thuộc thôn Tiến Lợi, xã Quảng Cư (TP Sầm Sơn) bị hư hỏng hệ thống đóng mở, đóng không kín nước làm nước chảy từ phía sông sang phía đồng.
Tàu khai thác thủy, hải sản bị chìm 1 cái (tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Tư, thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc bị chìm tại khu neo đậu tránh trú bão của Lạch Sung); thuyền mủng, bè mảng khai thác thủy sản bị cuốn trôi 38 cái; hơn 1.050 cây xanh đô thị bị đổ gãy; 75 biển quảng cáo bị đổ; tường rào bị đổ 1.090 m; bến cá bị sạt 30.000 m3; nhà trông coi nuôi trồng thủy hải sản bị hư hỏng 8 cái.
Báo cáo cũng cho biết thêm, trên địa bàn tính đến thời điểm hiện tại vẫn có mưa to và rất to trên diện rộng, tổng diện tích lúa đã gieo trồng toàn tỉnh 128.259 ha; trong đó: đã thu hoạch được 45.000 ha, đạt 35%; còn 43.000 ha lúa đã chín chưa thu hoạch.
Nước ngập tại quốc lộ 217B địa phận huyện Thạch Thành
Nhiều xã miền núi bị chia cắt, cô lập
Trước đó, để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống tại vùng nguy hiểm, các địa phương đã chủ động sơ tán được 1.038 khẩu thuộc khu vực ven biển (170 hộ/720 khẩu tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương; 318 khẩu ở huyện Tĩnh Gia) và 70 hộ dân sinh sống ở khu vực ven sông suối có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất (các xã Thanh Quân, Thanh Hòa, Thanh Phong, Tân Bình và Tân Bình của huyện Như Xuân).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, mưa lớn khiến sông suối ở các huyện miền núi dâng cao, nhiều xã bị chia cắt bởi nước lũ. Trên địa bàn huyệ Quan Sơn mưa lớn khiến mực nước trên sông Luồng và sông Lò dâng cao. Nhiều bản làng như bản Sủa và Na Hồ (xã Sơn Điện), bản Son và Sa Ná (xã Na Mèo), bản Nầm (xã Trung Tiến) bị cô lập bởi nước lũ. Tại những bản làng này, chỉ có duy nhất cây cầu tạm bắc qua sông đã bị nước lũ cuốn trôi nên việc đi lại của người dân hoàn toàn bị ngưng trệ.
Hoàn lưu bão Doksuri gây mưa lớn ở khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa khiến nước sông, suối đang dâng cao. Tại các xã Thành Minh, Thành Vinh, Thành Mỹ (huyện Thạch Thành); thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước)… đã xảy ra ngập lụt cục bộ. Nhiều đoạn quốc lộ 217B, lũ tràn về với tần suất lớn khiến đất, đá, bùn và sỏi đổ đầy mặt đường. Nhiều nơi bị ngập sâu tới gần một mét khiến các phương tiện không thể qua lại.
Tại các huyện miền núi khác như Thường Xuân, Như Thanh, mưa lớn cũng khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Tại xã Luận Khê (huyện Thường Xuân), do có sông Đằn chảy qua, đập tràn qua sông thấp nên mỗi khi mưa lớn, nước lũ dâng cao rất nhanh khiến xã này luôn rơi vào tình trạng cô lập “trong bất xuất, ngoại bất nhập”.
Dựa trên báo cáo của các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá, tổng giá trị thiệt hại đến thời điểm này ước tính vào khoảng 1.000 tỷ đồng.