Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thanh Hóa tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

Thanh Hóa hiện có 27 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 11 huyện miền núi và 7 huyện, thị xã miền xuôi có xã miền núi với 2.208 thôn, bản; 223 xã, phường. Toàn vùng miền núi có 7 huyện thuộc diện 30a; 115 xã đặc biệt khó khăn, khu vực III và 181 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc khu vực I, II... Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số là 31,97% và 16,50%.

 

Sáng 17/11, Thứ trưởng Phan Văn Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2016.

Các đại biểu tại buổi làm việc

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc, đến nay Thanh Hóa đã có 11 chương trình, dự án chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực, phát triển bền vững được thực hiện theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ với tổng kinh phí trên 3.000 tỷ đồng, xây dựng 1.660 công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ 14.643 hộ nghèo có nhà ở; đầu tư xây dựng 66 công trình nước sinh hoạt tập trung và hỗ trợ 2.382 công trình nước sinh hoạt phân tán.

Năm 2016, tổng nguồn vốn Trung ương giao thực hiện Chương trình 135 hơn 183,3 tỷ đồng. Các chính sách như hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách vay vốn phát triển sản xuất đrối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biết khó khăn; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cùng một số chính sách dân tộc khác... đã góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định đời sống cho người nghèo vùng dân tộc miền núi.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn còn tồn tại như tình hình di cư tự do đồng bào dân tộc Mông vẫn xảy ra ở huyện Mường Lát; khu vực miền núi xảy ra lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân; nguồn vốn thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc được Trung ương giao còn hạn chế như chương trình 135, dự án định cư…

Đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn trong cuộc sống 

Tại buổi làm việc với đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền cho biết: Thanh Hóa là tỉnh nghèo, địa bàn rộng, nguồn thu ngân sách hàng năm ít, nguồn vốn thực hiện các chương trình phát triển KT- XH khu vực miền núi còn khó khăn, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Phó chủ tịch cũng kiến nghị, đề xuất Trung ương nên rà soát, giảm một số chính sách không phù hợp, không hiệu quả, nên có chính sách bao phủ nhiều đối tượng và có chính sách đặc thù riêng với các đối tượng như chính sách cử tuyển, giáo dục Tiếng Việt cho người dân tộc thiểu số, đánh giá lại chương trình cấp báo cho vùng dân tộc miền núi, bảo hiểm y tế, quy hoạch dân cư…Đồng thời đề nghị Trung ương tiếp tục bổ sung ngân sách để địa phương thực hiện có hiệu quả hơn công tác dân tộc.

Đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện chính sách dân tộc trong những năm qua, Thứ trưởng Phan Văn Hùng cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng khắc phục một số vấn đề tồn tại trong thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn, tiếp tục quan tâm đầu tư có hiệu quả các chính sách Trung ương, đồng thời phát huy nội lực địa phương, tránh tư tưởng trông chờ ỉ lại vào các chính sách Nhà nước.

Với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Ủy ban Dân tộc ghi nhận, tiếp thu, đổi mới các chính sách dân tộc và sẽ trình Chính phủ xem xét trong thời gian tới.

Trước đó, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc đã có buổi làm việc, kiểm tra thực hiện chương trình 135 và các chính sách dân tộc khác tại huyện Thường Xuân, Cẩm Thủy.