Lễ hội Đền Đồng Cổ diễn ra vào ngày 15/3 âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ công lao của Thần Đồng Cổ - một vị thần có từ thời Hùng Vương.
Tương truyền, khi Vua Hùng đem quân dẹp giặc phương Nam, đại quân theo đường núi tiến đến chân núi Khả Lao và nghỉ lại đây. Đêm đến, vua mộng gặp thần núi đã xin giúp trống đồng, dùi đồng cùng nhà vua dẹp giặc.
Khi xung trận âm vang tiếng trống, tiếng kiếm làm quân giặc khiếp sợ bỏ chạy. Quân ta thắng trận trở về, Vua Hùng vào đền làm lễ tạ ơn và phong thần núi Khả Lao là “Đồng cổ đại vương”, lập đền thờ, đúc trống đồng, ngựa đồng rước vào đền thờ phụng. Năm 2001 đền Đồng Cổ được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Lễ hội đền Đồng Cổ là hình thức sinh hoạt có tính cộng đồng và có sức lan tỏa lớn, thể hiện chiều sâu và bề dày văn hóa, là di sản phi vật thể quý, đặc sắc, thể hiện nét độc đáo của văn hóa Việt Nam nói chung, xứ Thanh nói riêng; chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.
Lễ hội còn là sự kiện quan trọng kết nối các tour du lịch trong tỉnh, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương nói riêng, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ 2 đến 4/5, gồm có phần lễ và phần hội: Cáo yết, rước kiệu từ đền về đình Phúc và ngược lại, xin linh khí thần Đồng Cổ, dâng hương...
Trong khuôn khổ phần hội còn tổ chức các hoạt động thể thao thể hiện tinh thần thượng võ; tái hiện không gian “chợ quê” trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của vùng, miền...