Theo đó, đối tượng và phạm vi áp dụng là các hộ nghèo, cận nghèo thụ hưởng chính sách trong năm 2017 và các gia đình có khả năng hộ nghèo, cận nghèo trên phạm vi toàn tỉnh.
Các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế (ảnh minh họa)
Mục đích của kế hoạch rà soát hộ nghèo năm 2017 nhằm xác định danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thống kê, phân tích thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo và các chiều thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin… để làm cơ sở thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội năm 2018 và định hướng, điều chỉnh chính sách giảm nghèo cho giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, cập nhật cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý hộ nghèo, cận nghèo của mỗi địa phương và toàn tỉnh để theo dõi và quản lý thống nhất. Xác định được danh sách hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình làm cơ sở để ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế.
Trên cơ sở đó, việc thực hiện ra soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải được thực hiện trực tiếp với từng hộ, người dân theo đúng phương pháp, quy trình, công cụ đo lường nghèo đa chiều; đảm bảo dân chủ, công khai, có sự tham gia của người dân và dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giám sát của Mặt trận tổ quốc và sự tham gia của chính quyền, người dân; phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân địa phương.
Thời điểm tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện từ ngày 1/9 đến hết ngày 31/12/2017. Việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo thường xuyên (từ thời điểm sau rà soát năm 2017 đến trước rà soát năm 2018) được thực hiện khi gia đình có giấy đề nghị gửi UBND cấp xã có xác nhận của trưởng thôn cho những trường hợp: Hộ gia đình phát sinh khó khăn đột xuất trong năm cần được bổ xung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn để có thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của nhà nước; Hộ gia đình thuộc danh sách hộ nghèo, cận nghèo địa phương đang quản lý có đề nghị đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo; Đối với các hộ làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình được thực hiện cùng với thời điểm rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm hoặc thường xuyên khi gia đình có giấy đề nghị.
Kết thúc cuộc rà soát, UBND các cấp phải xác định được chính xác danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ tái nghèo, hộ thoát nghèo, hộ cận nghèo phát sinh, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công, hộ nghèo dân tộc thiểu số; Phân tích hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; Phân tích nguyên nhân nghèo và các chiều thiếu hụt từng hộ. Xác định chính xác tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của từng thôn của xã theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, xác định các hộ làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp với rà soát hộ nghèo, cận nghèo…
Trên cơ sở đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao trách nhiệm chủ trì cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh đó phải phối hợp với các Sở, ngành, liên quan, các huyện, thị xã, thành phố để xây dựng kế hoạch rà soát; thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác ở địa phương, cơ sở. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh phải phản ánh kịp thời về Sở LĐ-TB&XH để phối hợp, giải quyết.