Chiều 1/10, Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị giao ban công tác chỉ đạo chống khai thác IUU trên địa bàn.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác chống khai thác IUU của tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Nhận thức của cán bộ, Nhân dân về chống khai thác IUU đã được nâng lên rõ rệt; không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100% tổng số tàu cá xa bờ; 100% tàu cá được đánh dấu theo quy định; nhập lên Cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia Vnfishbase đạt 100%.
Tuy nhiên qua thống kê, toàn tỉnh vẫn còn 23 tàu cá “2 không” (không đăng ký, không đăng kiểm) và “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép) chưa được đăng ký; chưa hoàn thành đăng ký, đăng kiểm.
Tàu cá hoạt động sai nghề khai thác diễn ra nhiều năm chưa được xử lý; tàu cá có chiều dài 15m trở lên không cập cảng chỉ định bốc dỡ sản phẩm.
Số vụ xử lý, xử phạt còn thấp so với số vụ việc được phát hiện; việc xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển trên 10 ngày chủ yếu áp dụng hình thức cảnh cáo, nhắc nhở...
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã xử phạt 118 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 1,32 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cũng khẳng định công tác chống khai thác IUU là một trong nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
"Dự kiến trong tháng 11 tới, Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sẽ kiểm tra công tác khắc phục thẻ vàng của Việt Nam và sẽ đưa ra quyết định việc có gỡ thẻ vàng cho Việt Nam hay không.
Nếu EC rút thẻ đỏ, đồng nghĩa với hải sản Việt Nam sẽ không được nhập vào thị trường châu Âu, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh kế của ngư dân, đặc biệt là vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Do vậy, các ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, xử lý dứt điểm các tồn tại hạn chế, vi phạm tàu cá...", ông Giang nhấn mạnh.
Ông Giang cũng yêu cầu, Sở NN&PTNT phối hợp với địa phương, lực lượng biên phòng hoàn thành công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá trước ngày 15/10 đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các địa phương ven biển tập trung chỉ đạo Tổ liên ngành tại địa phương, UBND các xã, phường nghề cá kiểm tra, xác minh, xử lý dứt điểm các vi phạm trên địa bàn.
Hoàn thành công tác đăng ký, cấp phép tàu cá thuộc phân cấp quản lý trên địa bàn, thống kê cụ thể danh sách tàu cá dưới 6m để quản lý chặt chẽ. Xử lý dứt điểm các sai phạm về thực hiện chính sách thiết bị giám sát hành trình, phấn đấu đến 15/10 phải kết nối 100%...
"Từ nay đến ngày 15/10 nếu vẫn còn để tàu cá cập cảng tự phát, yêu cầu kiểm điểm tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.
UBND các huyện tiếp tục thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng phát sinh nhiều tàu cá “2 không”, phải hoàn thành đăng ký cho tàu cá “3 không” trước ngày 15/10...", ông Giang yêu cầu.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên trong việc nỗ lực gỡ "thẻ vàng" cùng với ngành thủy sản Việt Nam, trong tháng 9/2024, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các tổ liên ngành, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện cao điểm việc kiểm tra xử lý chống khai thác IUU trên địa bàn.