Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp. Ảnh: TTXVN
Theo đó, sẽ thành lập huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước); thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang); thị xã Duyên Hải (Trà Vinh); thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên); thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) và giảm 2 xã tại Thanh Hóa.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Bình Phước tăng 1 đơn vị hành chính cấp huyện, số đơn vị hành chính cấp xã không thay đổi. Còn tỉnh Hậu Giang tăng 1 đơn vị hành chính cấp huyện và tăng 2 đơn vị hành chính cấp xã.
Tương tự, sau khi thành lập thị xã Duyên Hải và 2 phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh tăng 1 đơn vị hành chính cấp huyện và tăng 1 đơn vị hành chính cấp xã.
Sau khi thành lập thị xã Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện (9 đơn vị) và cấp xã (180 đơn vị). Tương tự, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Bạc Liêu sau khi thành lập thị xã Giá Rai cũng không thay đổi.
Đối với Thanh Hóa, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã để mở rộng địa giới hành chính một số huyện, tỉnh Thanh Hóa không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện (27 đơn vị), nhưng có giảm 2 xã.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu những đề án đề nghị mở rộng đều hợp lý vì là những vùng đang phát triển mạnh, đòi hỏi cần mở rộng. Vấn đề đặt ra là mô hình tổ chức chính quyền tiếp theo như thế nào.
Theo Chủ tịch Quốc hội, không nên đặt vấn đề bầu lại Hội đồng nhân dân ở những đơn vị hành chính này, mà nên áp dụng công thức “ai ở đâu về đấy” ở các vùng mới thành lập thì cũng “ai ở đâu về đấy, khuyết một chút cũng được.” Ủy ban nhân dân cơ bản sẽ được tổ chức theo phương thức lâm thời, chỉ định, chưa cần tổ chức bầu cử. Sang năm, khi cả nước tổ chức bầu cử, các địa phương này sẽ tiến hành bầu cử khóa mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, sau lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tạm dừng việc quyết định điều chỉnh, thành lập, chia tách, nhập các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh để xây dựng bộ tiêu chí mới. Sau khi có bộ tiêu chí mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét các đề nghị điều chỉnh, thành lập, chia tách, nhập các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.