Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Bảo tàng Báo chí Việt Nam có trụ sở tại phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Bảo tàng Báo chí Việt Nam nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện các nhiệm vụ: Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các di sản văn hóa phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam; nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa báo chí Việt Nam. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ 19 đã có “Gia Định báo” và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ 20, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập tờ báo Thanh Niên năm 1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc,ảnh:TL

 Trong bối cảnh đó, Báo Thanh Niên số 1 ra ngày 21/6/1925, tại số nhà 13 đường Văn Minh (Quảng Châu, Trung Quốc), do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngôi nhà số 13 đường Văn Minh cũng chính là trụ sở Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh…

Các nhà báo tác nghiệp tại một sự kiện.ảnh:IE

 Sau đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày 21.6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.