Theo đó, Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức), nhằm bảo đảm cho việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam nghiêm chỉnh và hiệu quả; phù hợp với Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam khóa X.
Hội đồng gồm 23 thành viên, Chủ tịch Hội đồng là đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng; ông Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng; ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam làm Ủy viên Thường trực Hội đồng.
Nhà báo cần tuân theo Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam
Theo Quy chế hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Hội đồng có nhiệm vụ và quyền hạn: Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên; Tuyên truyền, giáo dục, theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm Luật Báo chí 2016, Điều lệ Hội, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Hội đồng gồm 2 cấp: cấp Trung ương và cấp tỉnh, Thành phố, Liên chi hội, Chi hội trực thuộc: Đối với Hội đồng Trung ương, Hội đồng gồm các ông, bà là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đang đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo tại các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí, cơ quan báo chí, các Ủy viên Ban Thường vụ, các cơ quan chuyên môn của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đối với Hội đồng cấp tỉnh, thành phố, Liên chi hội gồm đại diện các ông, bà là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đang là lãnh đạo tại các cơ quan: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT, Hội Nhà báo tỉnh; các cơ quan báo chí: Báo Đảng tỉnh, Đài PTTH tỉnh; Trưởng phòng Báo chí xuất bản Sở TT&TT… Đối với Liên chi hội, Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam: Hội đồng gồm các ông, bà là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, là lãnh đạo Liên Chi hội, Chi hội; lãnh đạo cơ quan báo chí, các tổ chức đoàn thể như: thanh niên, công đoàn, thanh tra nhân dân. Thường trực của Hội đồng: Ban Kiểm tra, phụ trách kiểm tra.
Đối với Hội đồng Trung ương: Tiếp thu đề nghị của Hội đồng cấp tỉnh, Liên chi hội, Chi hội; trao đổi ý kiến trong Thường trực Hội đồng, Hội đồng và quyết định xử lý kỷ luật ở mức khai trừ và thu hồi thẻ hội viên; Xử lý kỷ luật khai trừ và thu thẻ hội viên trực tiếp nếu vi phạm đó là nghiêm trọng, tổn hại uy tín báo chí Việt Nam; Quyết định khai trừ và thu thẻ hội viên khi người vi phạm đã bị Bộ TT&TT thu hồi thẻ nhà báo.
Đối với Hội đồng cấp tỉnh, Liên chi hội, Chi hội: Phát hiện sai phạm, tiếp thu phản ánh, tố cáo, yêu cầu đương sự làm kiểm điểm, tổ chức họp Hội đồng xem xét và kết luận; Ra văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng Trung ương quyết định xử lý kỷ luật ở mức khai trừ và thu hồi thẻ hội viên; Ký các quyết định: Phê bình, khiển trách, cảnh cáo; Theo dõi việc sửa chữa vi phạm, kết luận tiến bộ và đề nghị xóa hình thức kỷ luật.
Nếu hội viên Hội nhà báo Việt Nam vi phạm 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phải chịu một số hình thức kỷ luật sau: Phê bình; Khiển trách; Cảnh cáo; Khai trừ, thu hồi thẻ hội viên.
Cụ thể, đối với hội viên bị phê bình: Thông báo nội bộ cơ sở hội viên sinh hoạt; Đối với hội viên bị khiển trách: Sau 6 tháng, Hội đồng phải tổ chức nhận xét sự tiến bộ của đương sự; Đối với hội viên bị cảnh cáo: Sau 1 năm, Hội đồng phải tổ chức nhận xét sự tiến bộ của đương sự; Đối với hội viên bị xử lý khai trừ, thu thẻ hội viên, Hội đồng làm văn bản đề nghị Bộ TT&TT thu hồi thẻ nhà báo;
Trường hợp Bộ TT&TT đã thu thẻ nhà báo, Hội đồng quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên; Còn trong trường hợp cùng một vụ việc, có người vi phạm chưa phải là hội viên, xử lý như sau: Hội đồng ra văn bản đề nghị Sở TT&TT, Bộ TT&TT xử lý theo quy định của luật pháp.