Ông Hồ Xuân Lâm - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho biết kế hoạch về chi hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã được ban hành.
Theo đó, Liên đoàn Lao động Thành phố đang triển khai các hoạt động để hỗ trợ cho người lao động, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp (có quan hệ lao động) chịu ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch lần này.
Nhiều trường hợp người lao động khó khăn đã được đưa vào kế hoạch hỗ trợ: người lao động có thu nhập dưới 5 triệu đồng hoặc đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, lao động mắc bệnh hiểm nghèo, lao động chính phải nuôi con, chăm sóc cha mẹ không có thu nhập.
Các lao động phải ngừng việc do thu hẹp sản xuất, phong tỏa, cách ly hoặc bị mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng từ 1 tháng trở lên cũng thuộc diện được hỗ trợ. Mức hỗ trợ dự kiến từ 500.000 - 3 triệu đồng tùy trường hợp.
Các trường hợp người lao động là F0 phải điều trị sẽ được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng. "Chúng tôi đang phối hợp với các cấp công đoàn, các tổ công nhân tự quản... tổng hợp các trường hợp người lao động là F0, F1, F2... để có phương án hỗ trợ người lao động kịp thời trong thời gian xảy ra dịch bệnh" - ông Lâm chia sẻ.
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn số 374/LĐLĐ-CSPL về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quyết định 2606/QĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc chi hỗ trợ khẩn cấp đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến các cấp Công đoàn.
Theo đó, các cấp Công đoàn hỗ trợ cho đoàn viên các tuyến đầu chống dịch là các bệnh viện dã chiến, cơ sở y tế, khu cách ly… Bên cạnh đó, đoàn viên, người lao động (NLĐ) ở các đơn vị khác được hỗ trợ có hoàn cảnh khó khăn thu nhập dưới 5 triệu đồng, nữ đoàn viên đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi, bản thân người lao động (hoặc chồng, hoặc vợ) bị bệnh hiểm nghèo, đang nằm viện hoặc tai nạn lao động trong thời kỳ cách ly, NLĐ đang là thu nhập chính trong gia đình phải nuôi dưỡng cha/mẹ/vợ/chồng/con không có thu nhập.
Hướng dẫn cũng nêu rõ NLĐ, đoàn viên thuộc tiêu chí "Đặc biệt khó khăn" là NLĐ phải ngừng việc do thu hẹp sản xuất, do nơi làm việc bị phong tỏa, cách ly do dịch Covid-19; NLĐ nghỉ việc, mất việc mà không đủ điều kiện hưởng BHTN; NLĐ có cha/mẹ/vợ/chồng/con cùng phải cách ly y tế tại nhà hoặc một người là F0, F1; thành viên của tổ an toàn phòng chống dịch hoặc đoàn viên được huy động tham gia công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch của các cơ quan chức năng…