Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thành phố Hồ Chí Minh: Tuyên dương 5 gương sáng phố phường 2017

Tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM vừa diễn ra chương trình giao lưu “Gương sáng phố phường” lần thứ 18 năm 2017. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2017) và 12 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2015-19/8/2017) do báo Công An TP.HCM, Cung văn hóa Lao động và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức.

 

Năm nhân vật chính của “Gương sáng phố phường” năm 2017 là những con người đến từ các ngành nghề khác nhau và đều đóng góp lớn đối với an ninh thành phố.
Trung úy Nguyễn Minh Khoa chia sẻ về lần giao đấu với hai tên cướp nhiễm HIV

 

Gây ấn tượng với nhiều khách mời và khán giả trong buổi giao lưu là trung úy Nguyễn Minh Khoa, một cảnh sát giao thông trẻ tuổi, trong một lần trực đã phát hiện và truy đuổi hai tên cướp vừa giật đồ bỏ chạy. Dù anh đã chặn đầu xe và bắn chỉ thiên nhưng hai đối tượng vẫn ngoan cố. Sau khi khuất phục được chúng thì anh cũng biết mình bị phơi nhiễm HIV trong lúc giằng co với cướp.

Hội trường cũng nín thở để nghe trung úy Lê Hoàng Hảo (Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Bình Thạnh, TP HCM) kể về một lần bám theo tội phạm ma túy khi chân bị gãy, anh vẫn kiên quyết nhịn đau bám theo để chờ đồng đội đến chị viện.

 
 Anh Lê Văn Hồ (áo trắng) đang trao đổi
 

Hồi cuối tháng 2, khi chuyên án triệt phá đường dây sản xuất ma túy do Văn Kính Dương cầm đầu đi vào giai đoạn nước rút, Hảo và đồng đội được phân công đeo bám 24/24 tìm chứng cứ buộc tội. Băng nhóm này có khả năng về tài chính, chạy ôtô đắt tiền, tốc độ lớn và giao dịch thường diễn ra trên cao tốc nên các trinh sát gặp không ít khó khăn khi chỉ có xe máy.

Trong lần phát hiện ôtô chở nguyên liệu chế tạo ma túy tổng hợp chạy trên cao tốc Trung Lương hướng về miền Tây, Hảo và hai trinh sát chia nhau đón đầu ở các đường thuộc Bến Lức, Tân An và Tiền Giang. Rạng sáng hôm sau, chiếc ôtô xuống cao tốc, rẽ vào huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) - vị trí Hảo theo dõi. Sợ chúng phát hiện, trinh sát trẻ phải tắt đèn xe máy, phóng vun vút theo xe tải trong màn đêm vì vậy mà anh tông phải dải phân cách và bị gãy chân.

Dù chân phải bị gãy, máu chảy đầm đìa nhưng Hảo quyết không thể mất dấu nhóm tội phạm. Anh giấu xe vào lề đường, lê chân gãy suốt quãng đường dài để đến gần chúng, ẩn  mình trong bụi cây quan sát. Vừa ghi hình bọn chúng đang lần lượt ném những vỏ bình hóa chất xuống sông phi tang, Hảo gọi điện cho đồng đội đến chi viện.

Sau hơn một năm đeo bám, trung úy Hảo cùng Ban chuyên án đã bắt ông trùm Văn Kính Dương cùng gần 20 đồng phạm. Theo đánh giá của Công an TP HCM, đây là đường dây sản xuất ma tuý tổng hợp lớn nhất từ trước đến nay. Hàng trăm kg ma túy sơ chế, 500.000 viên thuốc lắc (ước tính trị giá 200 tỷ đồng) bị thu giữ. Nhiều máy móc, thiết bị, 7 ôtô, bất động sản ở Sài Gòn, Đồng Nai, Hà Nội... bị niêm phong. Tổng tài sản bị kê biên khoảng 60 tỷ đồng.

Cũng được tuyên dương trong chương trình còn có cán bộ hoạt động xã hội Lê Văn Hồ, anh Trần Huệ Hồng, chị Nguyễn Thị Ngọc Liên...

 
Câu chuyện săn bắt cướp của anh bảo vệ dân phố Trần Huệ Hồng


Trong đó, anh Trần Huệ Hồng (43 tuổi) được xem là tấm gương trong việc phòng chống tội phạm. Là người Việt gốc Hoa, anh sống trong khu vực buôn bán sầm uất ở phường 14, quận 5. Bắt đầu bắt cướp năm 16 tuổi, sau gần 30 năm tham gia bắt cướp tại địa phương, đây là lần thứ hai anh được vinh danh khi cùng đồng đội tham gia phá 7 vụ phạm pháp hình sự, bắt 24 người liên quan.

Và câu chuyện cảm động của anh cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phụ trách quản lý người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, anh Lê Văn Hồ (sinh năm 1988) được người dân gọi với tên thân mật là “anh cán bộ cai nghiện”. Kể từ khi nhận trọng trách này, anh Hồ đã làm được nhiều việc khó, giúp cho người cai nghiện có thể tái hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, anh còn hỗ trợ công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, khi đã vận động người dân giao nộp 7 mã tấu, 12 viên đạn và phối hợp cùng công an trong nhiều vụ điều tra hình sự. Trong một lần anh bị phơi nhiễm và vợ đang sinh con nhỏ nên anh giấu vợ hơn một năm, làm cho tình cảm gia đình có nhiều khúc mắc. Vợ anh cũng có mặt tại hội trường và kể lại câu chuyện trong niềm tự hào về anh.

Và người lớn tuổi nhất cũng là một phụ nữ 61 tuổi, bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, người cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chuyên trách tệ nạn xã hội tại P. Bình Trưng Tây, Q.2 vẫn miệt mài với công việc. Năm 2006, bà Liên được giao tiếp quản 112 đối tượng hồi gia từ trường bàn giao về. Đây là nhóm trẻ rất khó gần vì đa số là thanh thiếu niên hư hỏng, nghiệp ngập. Nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình, tận tâm của bà Liên mà các em đã được cảm hóa, giáo dục, từ đó tránh xa cái xấu rồi hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Bà cũng là người tổ chức sinh hoạt cho câu lạc bộ Sức sống mới để giúp các em lầm lỡ cai nghiện. Ngoài ra, bà còn kêu gọi rà soát những trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ học bổng.

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND TP cho rằng, những việc làm thầm lặng của 5 gương sáng phố phường rất cao cả. Họ đã chấp nhận đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống, kể cả tính mạng của mình chống lại cái xấu để bảo vệ sự bình yên của thành phố. Việc tuyên dương những gương sáng phố phường sẽ góp phần lan tỏa việc làm tốt ra cộng đồng.

Dịp này, có 20 tấm gương quần chúng điển hình nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ vì bình yên cuộc sống.