Đối diện với những khó khăn chưa từng có
Suốt 3 tháng qua, đường phố Sài Gòn luôn vắng lặng. Không ai có thể ngờ thành phố vốn sôi động là thế, giờ như chìm trong giấc ngủ dài. Hầu hết mọi hoạt động kinh tế đều ngưng trệ, nhường chỗ cho công tác phòng chống dịch luôn trong trạng thái vô cùng khẩn trương. Thành phố đang phải đối diện với những khó khăn chưa từng có...
Ngay từ khi dịch mới bắt đầu bùng phát hồi tháng 5, chính quyền Thành phố đã sớm dự liệu những kịch bản xấu nhất để có kế hoạch ứng phó, đã huy động nguồn nhân lực, vật lực khổng lồ để thực hiện công tác truy vết, cách ly các trường hợp F0, F1, cố gắng làm tất cả những gì có thể để tránh nguy cơ dịch lây lan mạnh trong cộng đồng.
Tuy nhiên, sức công phá của biến chủng Delta là quá khủng khiếp, thấm sâu vào cộng đồng là điều không thể tránh khỏi. Số ca nhiễm hằng ngày từ vài chục lên vài trăm, rồi vài ngàn. Nhiều khu vực trở thành "điểm nóng" với hàng ngàn F0. Trước tình hình đó, Thành phố đã có 6 lần điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, với các mục tiêu cụ thể cho phù hợp với thực tế. Những điều chỉnh chiến lược đó đều nhằm tới việc hạn chế những thiệt hại mà nền kinh tế và mỗi người dân phải gánh chịu.
Thành phố xác định mục tiêu "bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân là trên hết ", bên cạnh việc tập trung đầu tư xây dựng hàng chục bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức - cấp cứu ở khắp các quận, huyện và TP.Thủ Đức để kịp thời đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân, Thành phố đã quyết định cách ly xã hội theo Chỉ thị 16+ với tinh thần "ai ở đâu ở yên đấy" trên phạm vi toàn thành phố nhằm sớm chặt đứt các chuỗi lây nhiễm.
Điều đó đồng nghĩa với việc hàng triệu người lao động không thể đi làm việc, mưu sinh trong thời gian dài, gây sức ép lên gánh nặng an sinh xã hội. Nhưng Sài Gòn vẫn kiên cường đối mặt với thực tại nghiệt ngã.
Trong những tháng qua, cùng với sự hỗ trợ nhiệt thành của cả nước, chính quyền Thành phố đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời. Người Sài Gòn đã sáng tạo rất nhiều mô hình thiện nguyện để cùng chia sẻ khó khăn, giúp đỡ những mảnh đời cơ cực, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Từ mô hình ATM gạo của đợt dịch lần trước, giờ lại có thêm "ATM oxy" cho người bệnh chuyển nặng, "ATM việc làm" cho những người có nhu cầu mưu sinh kiếm sống trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài.
Đội quân tình nguyện hàng chục ngàn người, đủ mọi lứa tuổi, thành phần tham gia đã giúp cho rất nhiều gia đình vượt qua nguy cơ thiếu đói, có đủ sức khỏe và nghị lực để cùng cộng đồng chống chọi với dịch bệnh.
Trong nhiều tháng qua, hàng nghìn bác sĩ, nhân viên y tế cùng hàng chục nghìn tình nguyện viên ở tuyến đầu đã làm việc gần như không có phút giây ngừng nghỉ. Họ suốt ngày đêm bám bệnh viện, hoặc không ngừng luân chuyển giữa các địa bàn để làm nhiệm vụ thiêng liêng: Cứu người.
Nhiều bác sĩ, tình nguyện viên, mạnh thường quân ngoài công việc chính ở bệnh viện, ở các nhóm thiện nguyện, còn nỗ lực vận động các mối quan hệ để tìm nguồn thuốc men, vật tư y tế, nhu yếu phẩm đóng góp cho các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở cách ly và các khu phong tỏa...
Mặc dù phải căng sức chống chọi với dịch bệnh, nhưng với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM vẫn cố gắng tìm những giải pháp an toàn để duy trì hoạt động sản xuất. Để có thể sản xuất trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp này phải chịu không ít hy sinh, đội ngũ người lao động phải chấp nhận rất nhiều gian khổ. Nhưng nhờ đó mà về cơ bản chuỗi cung ứng vẫn được duy trì, nhiều nhà máy vẫn sáng đèn, tiếp tục tạo ra những dòng sản phẩm, đóng góp thêm nhiều giá trị cho đất nước...
Ngày mai trời lại sáng
Cuối tháng 7 vừa qua, giữa lúc dịch bệnh lên "cao trào", Thành phố đã thành lập Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể cho Chủ tịch UBND TP.HCM để lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác chống dịch, phục hồi sản xuất góp phần thực hiện "mục tiêu kép". Đó là một sự chuẩn bị chủ động và cần thiết, dù trước mắt dịch đang bùng phát nhưng nhất định sẽ được kiểm soát và đẩy lùi, đến lúc ấy phải tập trung cho công tác phục hồi kinh tế.
Lãnh đạo Thành phố xác định ngay lúc này, "mục tiêu kép" vẫn là nhiệm vụ quan trọng. Dù nhiệm vụ phòng chống dịch đang được đặt lên hàng đầu, nhưng các hoạt động kinh tế vẫn phải được duy trì ở mức độ an toàn và hợp lý. An toàn là nhiệm vụ hàng đầu, với các biện pháp thực hiện giãn cách, bảo hộ, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động… Hợp lý là chọn lựa hoạt động nào và được duy trì với mức độ nào, số người lao động cụ thể bao nhiêu, thực hiện trong thời điểm nào, gắn kết với các nguồn cung cấp nguyên liệu (nhất là liên quan đến các địa phương lân cận) và nhu cầu cụ thể của Thành phố…
Một trong hai nội dung quan trọng của TP.HCM trong năm 2021 được nêu thành chủ đề năm là vấn đề "cải thiện môi trường đầu tư". Lãnh đạo Thành phố yêu cầu các ngành có liên quan, các địa phương cần quan tâm rà soát và điều chỉnh các giải pháp để thực hiện ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, nhằm góp phần phục hồi kinh tế.
Để làm được điều đó, các cơ quan chức năng cần nắm chắc thực trạng hoạt động, năng lực và các điều kiện cụ thể của các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp để có biện pháp tác động phù hợp. Chẳng hạn, sự thiếu hụt lao động do nhiều công nhân trở về quê trong thời gian diễn ra dịch bệnh thì các giải pháp cần quan tâm triển khai là gì? Việc hạn chế lưu thông dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu hoặc khó khăn trong nhập thiết bị… thì tháo gỡ ra sao? Các giải pháp hỗ trợ vốn đối với từng nhóm doanh nghiệp nên được thực hiện thế nào?… Hay vấn đề miễn, giảm, giãn thuế đối với các doanh nghiệp cũng cần được nghiên cứu kỹ để góp phần thúc đẩy năng lực sản xuất của doanh nghiệp và bảo đảm thu nhập cho người lao động.
"Nếu như kịch bản khống chế dịch của Thành phố trở thành hiện thực, thì có thể từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, các hoạt động kinh tế-xã hội sẽ dần được khôi phục. Nhưng lần này, khó khăn sẽ nhiều hơn so với các đợt dịch trước đây. Việc giãn cách xã hội ở mức độ cao trong hơn 3 tháng đã khiến cho phần lớn các cơ sở kinh tế ngưng hoạt động, nhiều người lao động nghỉ việc. Vì vậy, vấn đề nhân lực sẽ là một trong những "bài toán hóc búa" nhất mà nhiều doanh nghiệp sẽ phải giải cho bằng được trong thời gian tới. Việc xây dựng một bộ máy nhân sự hoàn chỉnh từ các bộ phận gián tiếp, hậu cần cho tới trực tiếp sản xuất, đòi hỏi nhiều công sức, vốn liếng. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính cũng như tái thiết lập quan hệ với khách hàng đặt ra nhiều thách thức. Sẽ có nhiều doanh nghiệp gần như phải làm lại từ đầu. Khó khăn là vậy, nhưng với truyền thống năng động và kiên cường, gan dạ của người Sài Gòn, có cơ sở để tin là nhịp sống kinh tế của Thành phố sẽ sớm quay trở lại với sự sôi động và hiệu quả như trước", ông Phạm Anh Tuấn, chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP.Thủ Đức chia sẻ.
Những ngày cuối tháng Tám, số ca nhiễm mới ở TP.HCM đã giảm so với tháng trước. Thành phố đặt mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch từ 15/9, tiến tới giảm mạnh số ca nhiễm trong cộng đồng và hạn chế tối đa số ca tử vong, sớm đưa Thành phố trở về trạng thái "bình thường mới".
Hết đêm dài trời lại sáng. Rồi Sài Gòn sẽ mạnh khỏe trở lại trong một ngày không xa...