Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thành phố xanh cho em

Những vấn đề trẻ em đô thị phải đối mặt
 
Từ trước đến giờ trẻ em luôn được khuyến khích cần tham gia thật nhiều vào các hoạt động ngoài trời – nhưng, gần đây, Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn của Việt Nam luôn trong tình trạng không khí ô nhiễm nặng và các chuyên gia cảnh báo, khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài đường, giảm hoạt động mạnh. Một nghịch lý chưa từng có. 
 
Hàng ngày, trẻ em thường phải ra khỏi nhà từ 6-7h sáng để bắt đầu một ngày đi học. Nếu không học thêm, các em sẽ về nhà lúc 5h chiều, nhiều em học thêm sẽ về nhà lúc 7h tối, thậm chí là 8h tối. Đó đều là những quãng thời gian cao điểm với tắc xe và ô nhiễm không khí nặng nề.
 
Dưới áp lực học tập, rất ít trẻ em Việt Nam được cha mẹ đưa đến các công viên, khu vui chơi, giải trí hàng ngày, có chăng là vào các ngày cuối tuần hoặc các dịp rảnh rỗi. 
 
Gần đây, các bậc phụ huynh với tư tưởng tiến bộ và văn minh đã cân đối hơn giữa thời gian học và thời gian chơi cho trẻ nhỏ. Nhưng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay, các không gian xanh cho trẻ em ngày càng bị thu hẹp, thay vào đó là các dự án, công trình nhà cao tầng. Tốc độ bê tông hóa khiến cho ô nhiễm không khí càng ngày càng trở nên trầm trọng, và trẻ em chính là đối tượng phải gánh chịu tác động này trực tiếp và nặng nề nhất.
 
Trẻ em Việt Nam không chỉ đang phải đối mặt với vấn nạn bạo lực học đường, nguy cơ bị xâm hại tình dục mà còn phải chống chọi lại ách tắc giao thông và ô nhiễm không khí, lối sống mới trong các tòa nhà cao tầng tại các đô thị lớn, sự thiếu hụt và không đồng đều trong vấn đề tiếp cận các tiện ích và không gian vui chơi…



Một không gian xanh nho nhỏ tại Ecopark (Hà Nội).
 
Thành phố xanh cho em – Thành phố an toàn
 
Để xây dựng một thành phố xanh cho trẻ em, chúng ta phải làm gì?
 
Chúng ta không thể ngăn chặn tốc độ đô thị hóa vì đó là điều tất yếu của cuộc sống khi đất nước phát triển, nhưng chúng ta cần quy hoạch đô thị một cách bài bản và khoa học. Các đô thị mới mọc lên cần đảm bảo nguyên tắc an toàn và có đầy đủ các tiện ích dành cho trẻ em như trường học, công viên, vườn hoa, khu vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục thể thao… Thực tế không có nhiều khu đô thị mới làm được điều này. Trong các bản thiết kế ban đầu của dự án, khu nào cũng có trường học, công viên, khu vui chơi cho trẻ em, xong trong khi các tòa chung cư, biệt thự, nhà liền kề đã đi vào hoạt động thì các khu đất này luôn bị bỏ trống, chúng sẽ được hoàn thành cuối cùng, thậm chí là sau một thời gian “đắp chiếu”, sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng và bán cho người dân như những khu đất thương mại khác. Buồn hơn, là có những khu chung cư, nhà ở xã hội bình dân, ngay từ đầu, trong các bản thiết kế thậm chí còn chẳng có nổi một ngôi trường mầm non, chứ đừng nói gì đến công viên cây xanh hay các khu vui chơi giải trí cho trẻ em.
 
Nhiều lúc đứng giữa hai tòa chung cư cao vút, mỗi cái vài ba chục tầng, gió thổi hun hút, lồng lộng, tôi không thấy một vườn hoa hay công viên nào. Trẻ em đạp xe, chơi cầu trượt, xích đu hoặc đi bộ quanh quẩn dưới sảnh tòa chung cư chật hẹp. Đấy là còn chưa kể, nhiều chung cư cho thuê văn phòng còn tận dụng sảnh tòa nhà để coi giữ ô tô, xe máy thì trẻ em lại càng thiếu hụt không gian đi lại hơn nữa. 
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố cần bố trí nhiều hơn nữa quỹ đất cho các quảng trường, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí, khu tập luyện thể dục thể thao cho trẻ em. Hoặc người ta cũng có thể thu hồi đất các dự án xây dựng trái phép hoặc không đạt yêu cầu để xây mới các công trình xanh dành cho trẻ em.
 

 
Vui đùa trong nắng.
 
Bài học từ các thành phố khác trên thế giới
 
Theo tờ The Guardian, vị Thị trưởng trẻ của Tirana (Thủ đô và thành phố lớn nhất của Albania) Erion Veliaj cho rằng: “Chúng ta không nên đánh giá thấp vị trí của trẻ em”. Ông đã tiến hành khảo sát thời gian mà các vị phụ huynh dành cho con mình – Sự thật họ dành thời gian trên xe cộ còn nhiều hơn là cho con cái. Chính vì thế, Veliaj đã dùng bản thống kê này như đòn bẩy đạo đức để cảnh báo các bậc phụ huynh xem xét lại thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của mình. 
 
Vị Thị trưởng trẻ đã hợp tác công – tư, vận động các doanh nghiệp tài trợ xây mới và sửa chữa các trường mẫu giáo cho trẻ em trong thành phố.
 
Để tăng không gian xanh cho người dân, Tirana cấm các phương tiện giao thông đi lại trên Quảng trường Skanderbeg rộng lớn và cứ sau ba tháng một, khu vực dành cho người đi bộ lại mở rộng thêm một con đường nữa, cho đến khi trung tâm thành phố cuối cùng hoàn toàn không có xe hơi. Nhờ quyết định táo bạo này, chất gây ô nhiễm bụi mịn PM10 đã giảm 15%.
 
Trong năm đầu nhiệm kỳ, Erion Veliaj đã thu hồi 40.000m2 đất từ những dự án trái phép để biến thành 31 địa điểm sân chơi mới.
 
Thành phố này còn xây vành đai rừng bằng cách phát động trẻ em trồng “cây sinh nhật” tại mỗi địa điểm nhất định. Chia sẻ về chiến dịch này, Veliaj cho biết: “Khi các thành phố trên thế giới bàn về những bức tường thì ở đây những bức tường của chúng tôi chính là cây cối để cung cấp oxy cho cả thành phố”. 
 
Còn tại Bogotá (Thủ đô của Colombia), cựu Thị trưởng Enrique Peñalosa từng chia sẻ: “Có thể coi trẻ em là một loại chỉ số đo mức độ phát triển thành công của thành phố. Nếu có thể xây thành công một thành phố cho trẻ em, thì đồng nghĩa với việc xây được một thành phố lý tưởng cho mọi cư dân”. Theo đó, Peñalosa đã bắt đầu những nỗ lực làm không gian công cộng của thành phố đồng đều.
 
Ciudad Bolívar là một trong những quận nghèo nhất của thành phố. Các nhân viên xã hội ở đây đang phát triển dự án Urban 95 – một sáng kiến của Quỹ Bernard van Leer về cải thiện không gian công cộng cho những người cao dưới 95cm. Ngoài ra, để giảm thiểu tỉ lệ tội phạm và tăng thêm không gian xanh vốn hạn chế trong quận, các nhân viên xã hội còn tổ chức một cuộc khảo sát đường phố để nhận diện những điểm tiềm ẩn nguy hiểm và nghe ý kiến đóng góp từ người dân trong quận.
 
Tại Rotterdam (Hà Lan), từ một thành phố được cho là ít đáng sống nhất cho trẻ em vào 2016, thành phố đã đầu tư 15 triệu Euro để cải thiện không gian công cộng, nhà ở và đường xá giao thông ở những khu dân cư thu nhập thấp với hy vọng mang lại cuộc sống thân thiện hơn cho trẻ em trong thành phố.
 
Cụ thể, thành phố đã sử dụng một không gian ngoài trời tại khu rừng trong công viên để biến thành khu vui chơi sinh thái, gọi là Natuurspeeltuin de Speeldernis, giúp trẻ em có cơ hội được trải nghiệm vui chơi tự do và mới mẻ hơn. Trẻ em có thể được tìm hiểu đa dạng sinh học của không gian “hoang dã”, trải nghiệm các hang động, lửa, bè và cắm trại. Hiện nay, nơi này thu hút khoảng 35.000 du khách ghé thăm mỗi năm.
 
Khu vui chơi của một số trường học cũng được sử dụng thành quảng trường công cộng và những không gian đảm bảo an toàn với hoạt động trồng cây công cộng và thiết bị thể thao. Trẻ em có thể tự do trải nghiệm cuộc sống trong môi trường rộng lớn.
 
Đó chỉ là một vài cách làm của các thành phố lớn trên thế giới nhằm tạo thêm nhiều không gian xanh, không gian an toàn cho trẻ em, Việt Nam hoàn toàn có thể học tập.
 

Bình Yên/GĐTE