Một góc của TP Hà Tĩnh
Theo “An Tĩnh Cổ Lục” thì thành phố Hà Tĩnh xưa kia là một vùng đầm phá nằm ở tả ngạn sông Ray (Rào Cái), có dãy Nam Giới chắn ngang. Hàng trăm năm khai khẩn, dần dần miền đất trở nên trù phú và tạo thành địa thế hết sức quan trọng. Từ đó, nhiều thành trì đồn lũy được xây dựng ngày một dày đặc. Mỗi thành trì và đồn lũy ấy đều mang đậm những dấu ấn lịch sử. Đặc biệt là giai đoạn từ thế kỷ thứ XIV đến đầu thế kỷ XIX.
Tỉnh lị Hà Tĩnh được biết tới vào đời Minh Mạng thứ 12 (năm 1831), khi Nhà nước phong kiến Việt Nam dưới triều Nguyễn chọn làng Trung Tiết, (nay thuộc địa phận phường Tân Giang và một phần các phường: Thạch Quý, Bắc Hà, Nam Hà) làm trung tâm hành chính của tỉnh.
Theo nhiều tài liệu có được thì tỉnh lị Hà Tĩnh lúc bấy giờ chỉ là một thị tứ nhỏ bé nhưng hết sức “đắc địa”. Bởi vậy, triều đình Huế không vội vàng cho xây dựng ồ ạt làm động đến “long mạch”, mà rất cẩn thận trong việc mô phỏng kiến trúc của Thàng Sen tựa như thành An Cựu- Huế; các tuyến phố, trường học, nhà thương, bến xe, chợ búa… đều được quy hoạch rất chi tiết.
Thành Hà Tĩnh cũng là một trong những công trình lớn được xây dựng vào thời kì này. Khác với thành Thanh Hóa và Thành Nghệ An: “Thanh vô tiền, Nghệ vô hậu”. Có nghĩa Thành Thanh Hóa không có cửa Tiền; Thành Nghệ An không có cửa Hậu. Ngược lại, Thành Hà Tĩnh được xây dựng kiên cố bằng chất liệu đá ong và gạch thành, có 4 cửa: Tiền, Tả, Hữu, Hậu; thành được xây cao hơn 10 trượng, xung quanh có hệ thống hào rộng thông ra sông Cụt xuống đoạn đò Hà thì hợp lưu với sông Phủ hòa vào sông Rào Cái.
Bến sông cụt ngày xưa
Trải qua bao thăng biến phù trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của quy luật tự nhiên… Tiếc rằng, cho tới nay rất nhiều công trình cổ đã trở thành phế tích! Tuy vậy, tỉnh lị Hà Tĩnh từ chỗ chưa được đặt tên, đến năm Giáp Tý (1924) Vua Khải Định đã chính thức ban hành Đạo dụ thành lập thị xã.
Từ đó Thành Sen quê tôi dần dần được mở rộng. Nhiều công trình mới được xây dựng, nhiều khu phố, phường, xã mới được mở mang và thường được đặt tên với bậc danh nhân của quê hương Hà Tĩnh, dân cư ngày một hội về đông đúc và không khí cuộc sống ngày càng hưng thịnh.
Một dấu mốc hết sức quan trọng góp phần làm thay đổi diện mạo của Thành Sen quê tôi trên bản đồ hành chính đất nước, là vào năm 2007 thị xã Hà Tĩnh chính thực được Chính phủ công nhận thành phố đô thị loại 3. Tiếp đến ngày 13-02-2019, thêm một lần nữa quê tôi lại được Chính phủ công nhận là thành phố đô thị loại 2, với diện tích tự nhiên gần 60km2; tỉ lệ dân số gần 22 vạn người; có 16 đơn vị hành chính cấp phường, xã…
Với sự ra đời của đô thị lại 2 được coi là một bước ngoặt lớn, đặt Thành Sen quê tôi vào một vị thế khác hoàn đối với cái nhìn của bạn bè khắp mọi miền. Đó cũng là điều kiện lí tưởng để tạo nên sức hút hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến với Thành Sen như một miền đất hứa.
Hồ sen tại TP Hà Tĩnh
Có thể nói xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của Thành Sen, mà tiền thân từ một thị tứ nhỏ bé nằm lọt thỏm hai bên bờ con sông Cụt với chiều dày lịch sử gần 190 năm. Dù là thành phố, thị xã hay là thị tứ... thì ngay từ buổi đầu, với sự góp mặt của những cộng đồng dân cư sớm nhất cho tới những công dân mới nhất của mảnh đất này đều mang một cốt cách riêng là yêu quê hương, thương yêu đùm bọc lẫn nhau và rất mến khách; và dù khó khăn hoạn nạn đến mấy người Thành Sen quê tôi cũng đều tỏ ra lạc quan tin tưởng mọi thứ sẽ vượt qua. Đó là tài sản quý giá nhất mà người dân quê tôi từ thế hệ này này có được.
Cho tới nay tôi chưa tìm thấy một văn bản nào gọi địa chính thành phố Hà Tĩnh qua các thời kì là Thành Sen cả. Có nhiều giả thiết khác nhau, nhưng có vẻ thuyết phục hơn là trong Thành Hà Tĩnh có rất nhiều hồ sen. Tôi sinh ra và lớn lên ở phường Tân Giang, chính là vùng đất bao trọn Thành Hà Tĩnh vào địa giới hành chính của phường.
Dù tuổi thơ tôi chỉ được chính kiến cảnh hoang phế của thành Hà Tĩnh với những lớp đá ong và gạch thành sắp chồng chéo nhau không còn thứ tự. Nhưng trong thành vẫn còn tới 4 cái hồ lớn. Trong đó, có 3 hồ chữ nhật đều gọi là hồ Thành, và một hồ hình bán nguyệt còn gọi là hồ Trại Gái. Hồi đó, những hồ này vẫn có sen nở quanh năm. Dù giờ đây đã có tới 3 cái hồ trong số đó bị san lấp làm các công trình, nhà cửa... Nhưng thật may mắn cho tôi và bao đứa bạn cùng trang lứa tôi từng được căng lấy lá phổi của mình mà hít thở bao mùa sen thơm đến mê hoặc cho tới tận bây giờ!
Một góc thị xã Hà Tĩnh xưa
Ngoài tên gọi Thành Sen, thì xuyên suốt dòng chảy thời gian của quê tôi chính là con sông Cụt mến yêu! Bởi sông Cụt không những mang lại nguồn lợi sống cho con người, mà còn là một dòng sông đầy lãng mạn! Bao đời tổ tiên tôi từng tồn tại nhờ những con cua, con cáy... và được nuôi dưỡng tâm hồn từ từng nhịp nước thủy triều sông. Vậy nên, mỗi lúc vô tình thấy ai đó dù chỉ vất xuống sông này dù chỉ một mẫu thuốc lá, một chiếc vỏ kẹo… cũng làm tôi bỗng cảm thấy tổn thương trong lòng!
Nhắc đến sông Cụt có người thắc mắc sao sông không có nguồn để phải gọi là sông Cụt? Nhưng ai hay, tôi từng lội ngược dòng sông từ tấm bé và nhận thấy rằng, con sông mến yêu này được bắt nguồn từ núi Nài. Nguồn nước từ núi Nài rõ ràng hết sức khan hiếm bởi ngọn núi chỉ nhỏ như một hạt đậu giữa bao la đất trời. Nhưng từ những giọt nước mà núi Nài chưng cất trong vũ trụ vẫn ngày, đêm âm thầm lặng lẽ rỉ rích tạo nên điểm khởi thủy của thượng nguồn sông Cụt.
Nhờ huyết mạch nguồn thiêng nơi đó, khi sông vừa nhẹ nhàng trườn xuống chân núi Nài bỗng bắt gặp lấy mạch nước lớn là bàu Điền Sác và hói Đập Cót ở vùng giáp ranh giữa làng Đại Nài và Văn Yên. Bàu và hói đó luôn có nguồn nước bất tận từ lòng đất dâng hiến cho sông có được nguồn khoáng ngọt, vừa đủ để hòa vào con thủy triều chát mặn doàng lên từ cửa Sót. Sự kết hợp hài hòa của hai con nước thủy triều ấy biến sông Cụt trở thành con sông có nồng độ nước lợ Thành Sen hết sức đặc trưng.
Cây ngô đồng cô thụ trên đường Phan Đình Phùng
Nói đến Thành Sen, núi Nài, sông Cụt mà chưa được ai nhắc đến những cây Ngô đồng cổ thụ từng tồn tại ở đây từ đời này đến đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác thì sao người dân Thành Sen quê tôi lại không thể chạnh lòng chứ!
Không hiểu sao Ngô đồng, một loài cây thân xốp dễ bị gãy đổ? Nhất là với thành phố Hà Tĩnh, một địa danh nhỏ bé giữa dải đất miền Trung đầy bão tố và “chảo đạn túi bom” trong chiến tranh, mà cây vẫn cứ hiên ngang xòe rộng bàn tay lá, chở che cho bao thân phận con người.
Tôi từng thấy dưới bao gốc cây ngô đồng cổ thụ ấy có những người người thợ chữa xe đạp, những người thợ cắt tóc nghèo khổ nhưng khuôn mặt họ bao giờ cũng rạng rỡ những nụ cười hiền khô; hay những bà mẹ vừa đặt gánh gánh phở rong ngồi bệt xuống đó chưa kịp mở gói trầu để móm mém thì đã có vài ba thực khách xúm lại để kháo nhau mở hàng …
Và trong một đêm tố giông sậm sịch có một ông lão chân trần, áo nâu nhuộm bùn đất đang thu lại chiếc vó câu của mình ngồi thu lu dưới gốc cây ngô đồng bên cầu Sở Rượu chờ trời sáng để kịp về với vợ con. Hay trong một chiều sương trời giăng lạnh có một mảnh đời sương phụ gầy héo xanh xao không may vừa phải “vượt cạn” một mình. Vì một lí do nào đó chị đành để lại đứa con vô tội dưới gốc cây Ngô đồng bên mép chợ được bọc trong chiếc tã lót ố nhàu và một thư bức thư viết vội với dòng chưc nguệch ngoạc rằng, “Nhờ thiên hạ ai có lòng tốt hãy nuôi lấy đứa bé. Ơn này sống để dạ chết nguyện mang theo"!
Người đàn ông cất vó ngày ấy chắc giờ cũng đã trở thành thiên cổ! Và đứa trẻ sơ sinh ngày ấy có lẽ giờ cũng đang có một cuộc sống hoàn toàn khác với phận kiếp của người mẹ nó ngày nào! Nhưng từ đó tới nay, mỗi khi qua những cây ngô đồng ấy tôi vẫn cố đi thật chậm như thể để chuộc lỗi cho mình vì không biết làm được gì hơn ngày đó. Và cũng trong cái khoảng lặng bí ẩn đó tôi được chia sẻ với nỗi buồn day dứt của cây để cầu cho linh hồn người cất vó siêu thoát;, và bái vọng hồn cây cầu nguyện cho mẹ con người thiếu phụ ngày ấy được gặp lại nhau!..
Nhà hát nhân dân Hà Tĩnh ngày xưa
Nhớ lại thời chiến tranh chống Mỹ! Từ vùng sơ tán nhiều lần tôi liều mình về thăm Thành Sen giữa tiếng bom gào đạn hú nhưng không tỏ ra sợ hãi. Có lẽ lúc đó tôi háo hức chạy về bên sông Cụt, nhặt những trái Ngô đồng rụng để mang về khoe với đứa bạ làm bánh xe đẩy, chơi trò trẻ nhỏ. Bởi hồi đó, ở làng quê vùng sơ tán Thạch Tân tôi chẳng thấy có cây ngô đồng nào như ở Thành Sen quê tôi cả.
Thành Sen quê tôi giờ đây đang từng ngày thay da đổi thịt. Đáng chú ý là hệ thống cơ sơ hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng ngày càng được đầu tư mạnh; cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên!...
Chỉ tính riêng trong quý 1 đầu năm 2019, tổng thu ngân sách ước tính thực hiện được: 105,081 tỷ đồng; thành lập mới được 61 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 750,4 tỷ đồng; tổ chức họp nghe báo cáo đầu kỳ 02 dự án phát triển đô thị lớn của Khu đô thị tại xã Thạch Trung (42ha) và Khu đô thị tại phường Văn Yên (70ha); chuẩn bị bàn giao mặt bằng các dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế TTH; hoàn chỉnh hạ tầng xung quanh Dự án Khu đô thị Vinhomes Newcenter; đóng góp ý kiến các nội dung về dự án thành phố giáo dục Hà Tĩnh do Tập đoàn Nguyễn Hoàng làm chủ đầu tư…
Một góc TP Hà Tĩnh
Rõ ràng, nếu đem so sánh về nhiều thứ ở Thành Sen quê tôi qua các thời kì thì hoàn toàn khập khiễng. Nhưng con sông Cụt đã bị biến dạng quá nhiều. Đặc biệt phía thượng nguồn từ núi Nài đến cầu Sở Rượu và khu vực quanh chợ tỉnh đã bị san lấp hết. Còn những hàng cây Ngô đồng cổ thụ thì cũng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay bởi chặt phá để mở đường, nhưng cũng có thể vì một sự bất cẩn nào đó khiến lòng tôi thêm tiếc nuối!
Nhưng dẫu sao tôi vẫn dành cho mình một đức tin nhỏ bé là một ngày nào đó sông Cụt sẽ được khai thông và những cây ngô đồng vẫn vươn mình giữa mưa nắng. Tôi luôn tin tình người Thành Sen bao thì bao giờ cũng thấm đượm một tâm hồn sâu lắng như giá trị bất biến của những hàng cây Ngô đồng cổ thụ và dòng sông Cụt mến thương!