* Chú trọng giải quyết việc làm trong nước; lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh với chất lượng, tay nghề ngày càng cao...
Nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động, giai đoạn 2011- 2015, cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống dưới 4%, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra.
Đối với việc làm ngoài nước, Việt Nam tiếp tục nối lại thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới. Hiện có trên 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, gửi về nước hàng năm từ 1,6 - 2 tỷ USD. Lao động Việt Nam đã đáp ứng việc làm ở những lĩnh vực, nghề mới có yêu cầu và chất lượng cao hơn, như y tá, điều dưỡng đi làm việc tại thị trường Nhật Bản, CHLB Đức...
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tại triển lãm 70 năm ngành LĐ-TB&XH.
* Thực hiện tốt chính sách tiền lương, cải thiện quan hệ lao động, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHTN; tăng cường an toàn vệ sinh lao động.
Từ năm 2013 đến nay, nhờ hoạt động có hiệu quả của Hội đồng Tiền lương Quốc gia với vai trò tích cực trong cải thiện cơ chế xác định tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc thị trường và hội nhập, mức lương tối thiểu vùng năm 2015 đã tăng gần 2,3 lần so với năm 2011.
Luật BHXH (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã quy định lộ trình thực hiện nguyên tắc đóng hưởng và mở rộng đối tượng tham gia. Trong nhiệm kỳ, lần đầu tiên, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được Bộ LĐ-TB&XH trình Quốc hội thông qua với các quy định rộng hơn, bao quát và cụ thể hơn về trách nhiệm của người sử dụng lao động, chế độ bảo hiểm đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
* Dạy nghề từng bước gắn với nhu cầu thị trường lao động, góp phần phát triển nguồn nhân lực đất nước.
Thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề và Đề án đổi mới, phát triển dạy nghề đến năm 2020, hệ thống cơ sở dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa, chú trọng phát triển trên 40 trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) được triển khai hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Kết quả dạy nghề trong 5 năm đạt khoảng 8,6 triệu người, tăng hơn 3 lần so với giai đoạn trước, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo trên cả nước lên 51,6% vào cuối năm 2015, tăng 11,6% so với cuối năm 2010. Năm 2014, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10, tại kỳ thi này, đoàn Việt Nam giành giải Nhất toàn đoàn.
* Đảm bảo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NCC và gia đình NCC với cách mạng.
Cả nước hiện có 8,8 triệu NCC, trong đó có trên 1,4 triệu NCC được hưởng các chế độ trợ cấp thường xuyên. Trong 5 năm, Bộ và ngành LĐ-TB&XH đã tập trung, chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý sai phạm, lừa đảo, lợi dụng để trục lợi trong lĩnh vực NCC, góp phần tăng cường công khai, minh bạch và công bằng trong thực hiện chính sách.
Trong 2 năm 2014 - 2015, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam triển khai Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, triển khai Đề án xác nhận hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin thông qua thực chứng và giám định gene... Trong 5 năm, cả nước đã huy động trên 1.250 tỷ đồng xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây mới khoảng 46.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 43.000 nhà với trên 10,6 nghìn tỷ đồng; gần 11.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng...
Lễ bế mạc Kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ 10 tại Việt Nam.
* Quyết tâm giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận nghèo đa chiều.
Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, người dân, sự tác động của các chính sách kinh tế - xã hội nói chung, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% (cuối năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015); riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6% mỗi năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam luôn là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Năm 2015, với sự tham mưu, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều. Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là một trong hai chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn tới.
* Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng dần mức trợ cấp
Nhờ thực hiện những chính sách mới về trợ giúp xã hội, đối tượng thụ hưởng ngày càng được mở rộng; mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng từ 180.000 đồng lên 270.000 đồng; hệ thống mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội được quy hoạch với trên 400 cơ sở.
Trong 5 năm, cả nước thực hiện trợ cấp thường xuyên cho khoảng 2,643 triệu đối tượng, tăng gần 1,8 lần so với cuối năm 2010. Trong trợ giúp đột xuất, Chính phủ đã hỗ trợ lương thực cứu đói cho gần 2,5 triệu lượt hộ cùng khoảng 2.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
* Quản lý nhà nước về trẻ em từng bước hoàn thiện, quyền trẻ em được bảo đảm, xã hội hóa bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt kết quả cao.
Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu sửa đổi, trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1235/QĐ-TTg về Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em đến năm 2020. Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em được tăng cường, quyền trẻ em ngày càng được bảo đảm.
Kết quả huy động Quỹ trong 5 năm đạt gần 300 tỷ đồng. Bộ LĐ - TB&XH mới đây đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam triển khai Chương trình thiện nguyện “Cặp lá yêu thương”, bước đầu thu hút được sự quan tâm, chung tay giúp sức của toàn xã hội hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, trong đó trẻ em là tiêu điểm của chương trình.
* Bình đẳng giới đạt nhiều kết quả tích cực.
Sau khi Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 được ban hành, công tác triển khai đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ Trung ương tới địa phương đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới cho mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo thực hiện bình đẳng giới trên thực tiễn, thúc đẩy phát triển bền vững của quốc gia.
* Công tác cai nghiện phục hồi, phòng chống mại dâm được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Chính sách phòng, chống tệ nạn xã hội thời gian qua đã có những điều chỉnh tích cực, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác quản lý, giáo dục đối tượng nghiện ma túy và mại dâm, đáp ứng các thông lệ quốc tế. Trong đó, phải kể đến việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành cơ sở cai nghiện tự nguyện.
Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, các tập thể, cá nhân ngành LĐ-TB&XH đã được tặng 22 Huân chương Độc lập; 180 Huân chương Lao động, trong đó phải kể đến Huân chương Lao động hạng Nhất dành cho Bộ LĐ-TB&XH trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong 5 năm qua. Đặc biệt ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Ngành LĐ-TBXH, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II cho Bộ LĐ – TB&XH. Đây là phần thưởng cao quý ghi nhận một chặng đường thi đua, phấn đấu của toàn ngành trong giai đoạn 2011 - 2015. |