Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế khu vực biên giới

(Dân sinh) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế của khu vực biên giới, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững kinh tế khu vực biên giới, ngày 16/8/2021, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và 25 tỉnh biên giới tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới.

Tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế khu vực biên giới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị

Tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước

Hội nghị do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, với sự tham dự của Lãnh đạo các Bộ gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân 25 tỉnh biên giới...

Báo cáo tổng hợp về tình hình phát triển kinh tế khu vực biên giới, Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, trong bối cảnh đầy khó khăn, các tỉnh biên giới đã chủ động, tích cực khắc phục, vừa tiếp tục duy trì tăng trưởng dương.

Nhiều địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước. Năm 2020, 15/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

6 tháng đầu năm 2021, 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn khu vực vực biên giới tiếp tục phát triển. 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nông lâm thủy sản tăng trưởng ở mức khá.

Quan hệ qua biên giới được các tỉnh biên giới, chính quyền khu vực biên giới duy trì tốt thông qua các cơ chế giao lưu, làm việc định kỳ, tạo điều kiện thuận lợi duy trì mô hình thông quan phòng dịch, đảm bảo thương mại qua biên giới không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế khu vực biên giới - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Bước đầu, một số hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại tại khu vực biên giới đã được hình thành như hệ thống khu kinh tế cửa khẩu và cụm công nghiệp. Đến nay, đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích là 8.799 ha; tương ứng chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước.

Khó khăn hạn chế còn nhiều

Báo cáo đã chỉ ra nguyên nhân của các khó khăn hạn chế nêu trên gồm: Công tác quy hoạch đầu tư phát triển tại các tỉnh biên giới nói chung và khu vực biên giới nói riêng còn nhiều bất cập về chất lượng quy hoạch, thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ lập kế hoạch.

Cơ chế chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng thương mại biên giới còn nhiều bất cập, chưa có nhiều ưu đãi đột phá nên khó thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Việc chưa kịp thời nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối mở biên giới để theo kịp với nhu cầu giao thương giữa khu vực biên giới và các nước láng giềng cũng là một nguyên nhân hạn chế phần nào phát triển kinh tế của khu vực biên giới.

Tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế khu vực biên giới - Ảnh 3.

Các tỉnh ở các điểm cầu

Một số địa phương chưa nắm chắc và thực hiện đúng các quy định liên quan của Chính phủ liên quan đến quản lý cửa khẩu nên công tác xin phép, triển khai mở mới, nâng cấp cửa khẩu còn mất nhiều thời gian.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo các địa phương đã thẳng thắn trao đổi, phân tích sâu hơn những khó khăn, tồn tại và trình bày chi tiết, làm rõ hơn các kiến nghị, đề xuất của địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực biên giới phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Hội nghị đã nghe báo cáo “Tình hình phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, đất liền nước ta tiếp giáp với các nước bạn (được tổng hợp từ báo cáo của 25 tỉnh biên giới với các nước bạn Trung Quốc, Lào, Campuchia) và các ý kiến của địa phương, Bộ ngành Trung ương.

Nhìn chung, báo cáo của Bộ Công Thương và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đều thống nhất nhận định:

Mặc dù còn nhiều khó khăn vướng mắc thậm chí là hạn chế, yếu kém, ngay cả khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế tại các tỉnh khu vực biên giới nhất là khu vực biên giới cửa khẩu vẫn duy trì mức tăng trưởng dương.

Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước (năm 2020, có 15/25 tỉnh, 6 tháng trong năm 2021 có 20/25 tỉnh cao hơn mức bình quân của cả nước). Một số tỉnh tăng trưởng ở mức 2 con số, đơn cử như tỉnh Quảng Ninh.

Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của các tỉnh biên giới dần khá ổn định và tăng cao. 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển công nghiệp cao hơn bình quân của cả nước. Sản xuất nông, lâm thủy sản ở khu vực biên giới phát triển khá, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm hàng thiết yếu cho người dân trong đại dịch.

Phối hợp khá tốt với các nước bạn trong quản lý, điều hành hoạt động của các cửa khẩu. Linh hoạt vận dụng các quy định để kéo dài thời gian thông quan, mở thêm lối thông quan cho xuất khẩu hàng nông sản không bị ùn ứ.

Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tiếp tục được đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hệ thống chợ, trung tâm thương mại, hạ tầng điện, nước và dịch vụ viễn thông, du lịch…

Đến nay đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu (3 tuyến biên giới); các nhà máy điện (thuỷ điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo đóng góp 44% sản lượng điện cho Trung Quốc).

Hệ thống chính trị tại các khu vực biên giới, cửa khẩu tiếp tục được củng cố, phát huy.

Manh mún, tự phát, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như: Trình độ phát triển chênh lệch; KTXH vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới và cả nước;

Cơ cấu kinh tế bất hợp lý khi kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo ở khu vực biên giới; công nghiệp và thương mại dịch vụ nhìn chung kém phát triển, chưa có sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh yếu; thương mại tiểu ngạch vẫn là chủ yếu.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp ở khu vực biên giới tuy là ngành chủ đạo nhưng còn rất manh mún, tự phát, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung; Năm 2020, đạt 30 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng kim ngạch của cả nước, bằng 21,5% tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia;

Đặc biệt, có nơi chưa tương xứng với quy mô, tốc độ đầu tư của nước bạn. Hiện tại, hạ tầng thương mại hiện đại rất thiếu (như trung tâm logistics), các hạ tầng thương mại biên giới (như kho hàng, chợ, trung tâm thương mại) phân bố không đều và không đủ năng lực phục vụ lúc cao điểm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những tồn tại kể trên xuất phát từ một số nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan như: Thiếu vốn cho đầu tư phát triển (chủ yếu nhà nước ít, dàn trải); kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp; tâm lý e ngại (nhất là tư nhân) đầu tư vào khu vực biên giới (rủi ro, lợi thế cạnh tranh thấp…).

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng cho rằng đó là vấn đề của thiếu quy hoạch hoặc chất lượng quy hoạch kém, thiếu tầm nhìn dài hạn; công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch hạn chế; Thiếu chủ trương nhất quán, cơ chế chính sách hợp lý đủ mạnh để phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng kinh tế, thương mại biên giới.

"Cùng với đó, công tác đầu tư quản lý cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu phát triển: Việc nâng cấp, mở mới cửa khẩu, lối mở biên giới chậm; Thủ tục cấp phép, thông quan còn rườm rà; Áp dụng công nghệ trong quản lý cửa khẩu còn hạn chế", ông Diên nói.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra tiềm năng, lợi thế của việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế trẻ ở khu vực này là: Khai thác thị trường hơn 1,5 tỷ dân Trung Quốc; khai thác thị trường ASEAN và thị trường các nước mà Việt Nam là thành viên (FTA).

Bộ trưởng nhấn mạnh những nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

Về những kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã nhận được hơn 200 kiến nghị rất cụ thể, chi tiết của 25 tỉnh, liên quan đến 8 nhóm vấn đề: mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đầu tư hệ thống giao thông, đầu tư hạ tầng thương mại, xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, phát triển điện năng; phát triển công nghiệp.

"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp để báo cáo Chính phủ, Trung ương có chủ trương và cơ chế chính sách cụ thể", ông Diên cho biết.

Liên quan đến cơ chế phối hợp, Bộ trưởng Công Thương đề nghị cần áp dụng chế độ thông tin thường xuyên giữa Bộ Công Thương và 25 tỉnh để Bộ kịp thời báo cáo Chinh phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

“Cố gắng duy trì 1 năm ít nhất 1 lần để có dịp kiểm điểm việc thực hiện ở các địa phương và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.