Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thất nghiệp nông thôn giảm, thành thị tăng

Theo khảo sát của Bản tin Thị trường lao động quý 2/2015, trong quý 2, cả nước có 1,14 triệu lao động thất nghiệp (2,42%), giảm 15.000 người so với đầu năm. Số người thất nghiệp ở nông thôn giảm, trong khi ở thành thị tăng, thất nghiệp ở nữ giới giảm và nam giới tăng.

Theo kết quả khảo sát tại Bản tin, thu nhập bình quân tháng của lao động theo nhóm nghề phản ánh song song với trình độ chuyên môn. Nhóm có mức tiền lương cao là lãnh đạo (7,3 triệu đồng) và lao động chuyên môn kỹ thuật cao (6,51 triệu đồng). Nhóm có mức lương trung bình là lao động chuyên môn kỹ thuật bậc trung  (4,78 triệu đồng), thợ vận hành máy (4,68 triệu đồng), nhân viên (4,25 triệu đồng) và thợ thủ công (4,11 triệu đồng). Nhóm có mức lương thấp hơn là nhân viên dịch vụ cá nhân (3,77 triệu đồng), lao động kỹ thuật trong nông nghiệp (3,78 triệu đồng) và lao động giản đơn (3 triệu đồng).Trong quý 2, thu nhập bình quân của lao động thành thị: 5,25 triệu đồng, lao động nông thôn: 3,84 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương giảm 435.000 đồng (giảm 8,9%), lao động nữ vẫn có thu nhập thấp hơn song mức giảm lại cao hơn lao động nam (tương ứng 576.000 đồng và 334.000 đồng).

Lao động tìm việc làm  (nguồn ảnh: Internet).

Cũng theo kết quả khảo sát công bố trong Bản tin, trong quý 2, cả nước có 1,14 triệu lao động thất nghiệp (2,42%), giảm 15.000 người so với đầu năm. Số người thất nghiệp ở nông thôn giảm trong khi thất nghiệp ở thành thị tăng, thất nghiệp ở nữ giới giảm và nam giới tăng. Lực lượng thanh niên thất nghiệp tiếp tục tăng (gần 6,7%) cao gần 3 lần so với tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Trong độ tuổi lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại trừ nhóm tốt nghiệp cao đẳng có tỉ lệ thất nghiệp giảm từ 7,1% xuống 6,6 % so với quý 1, còn lại các nhóm khác đều tăng. Nhóm có trình độ trung cấp tăng từ 3,7% lên hơn 4,4%. Nhóm có trình độ đại học trở lên tăng mạnh nhất, từ 3,9% lên 4,6%, tức là tăng từ 178.000 người lên gần 200.000 người.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, tỉ lệ trên chưa phải là chỉ số phản ánh hết được tình trạng lao động của đất nước. Số người có trình độ đại học trở lên đang làm việc trong hai nhóm ngành chính chiếm tỉ lệ rất lớn: Giáo dục-đào tạo (23,4%); trong các tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng (19,3%). Trong khi đó, các tổ chức này gần như cố định, ít tuyển mới, còn tinh giản biên chế. Điều này một phần lý giải vì sao thất nghiệp ở nhóm trình độ đại học trở lên tăng cao. Hằng năm, 3/4 số học sinh tốt nghiệp phổ thông đều tập trung vào giáo dục đại học. Bà Lan Hương cho rằng điều này không phù hợp với đất nước đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp, có thu nhập trung bình như Việt Nam. Tuyển sinh với số lượng lớn, tập trung ở phân khúc cao chỉ phù hợp với mô hình đào tạo của các nước có nền kinh tế tri thức. Việt Nam phải tập trung vào phân khúc bậc trung (cao đẳng, trung cấp nghề). Giải pháp trước hết là nâng cao nhận thức về chọn ngành nghề cho các em từ khi còn đi học. Học sinh học xong phổ thông không nhất thiết phải bước vào đại học mà có thể đi học nghề. Theo thống kê, hiện nay tiền lương của nhóm lao động ở nhóm giáo dục nghề nghiệp cũng đã tăng lên đáng kể.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, điểm sáng của Bản tin Thị trường lao động quý 2 là sự khởi sắc kinh tế, sức ép việc làm giảm. Lao động trong các ngành nghề chế biến tăng, lao động nông lâm ngư nghiệp giảm. Nhiều chương trình được triển khai tạo hiệu quả tới nay như: Hơn 90.000 lao động đi XKLĐ, vượt chỉ tiêu năm 2015, chính sách hỗ trợ thất nghiệp đã đi vào thực tế...

Tuy nhiên sức ép việc làm trong thị trường lao động giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức tốt hơn thị trường lao động, cung cấp cho lao động thông tin để tìm việc, nắm vững hơn cơ cấu để có sự điều chỉnh phù hợp. Thực trạng tay nghề lao động Việt Nam chưa cao. Trong khi đó, đây là điểm cạnh tranh trực tiếp với lao động nước ngoài. Chúng ta cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức tốt hơn thị trường lao động, cung cấp cho lao động thông tin để tìm việc, nắm vững hơn cơ cấu để có sự điều chỉnh phù hợp, qua đó giảm thất nghiệp.