Những đầm sen trổ hoa thưa thớt
Sen vừa đắt vừa hiếm
Nhà ở quận Thanh Xuân nhưng vào dịp này, cứ đến cuối tuần, chị Đặng Thị Hồng Hà cất công lên tận đầm sen ở cuối phố Tô Ngọc Vân để lựa hoa về cắm. Hàng ngày được ngắm hoa, thưởng hương lan tỏa khắp nhà, chị cũng thấy “đáng công sức đi lại”. Tuy nhiên, năm nay, nhiều lần đến đầm, chị Hà phải ra về tay không. “Các thuyền hái sen ít hơn hẳn mà số lượng bông thu được cũng rất hạn chế trong khi trên bờ, nhiều chị em đang chờ sẵn để mua. Hôm nào mua được chục bông là mừng lắm” – chị Hà cho biết.
Có mặt tại Quảng An những ngày cuối tuần, không khí đìu hiu và vắng lặng, khác hẳn với sự ồn ào, tấp nập khách đến thưởng hoa, chụp hình – là những dịch vụ từng mang đến nguồn thu đáng kể lên đến tiền triệu mỗi ngày cho các hộ kinh doanh ăn theo mùa sen hồ Tây. Những đầm sen rộng mênh mông ở phường Quảng An chỉ thấy lá xanh, bông lưa thưa và nhỏ. Để dành mãi, đến trung tuần tháng 7, gia đình chị Xuân – chủ đầm sen Đầu Đồng mới thu hoạch lứa hoa trong đầm nhưng gom mãi mới được khoảng 100 bông – con số khiêm tốn so với diện tích mặt nước nuôi sen rộng mấy hecta. “Năm nay sen không có mà bán, mỗi ngày chỉ đủ vài chục dành cho khách quen lâu năm. Mùa sen coi như thất thu, tính vốn đầu tư may ra thì hòa vốn”.
Hoa ít nên giá bán cũng tăng. Chị Nguyễn Thúy Ngọc ở ngõ 124 đường Âu Cơ, phường Tứ Liên cho biết: chất lượng hoa không bằng những năm trước, bông nhỏ mà giá bán từ 120.000 - 150.000 đồng/chục, đắt gấp đôi so với giá bán hoa sen tại chợ hoa đêm Quảng Bá ngay gần đó. Những ngày này, chỉ còn vài đầm còn có hoa, giá bán đã tăng đến 200.000 đồng/chục, khách hàng vẫn tranh nhau mua. Cầu nhiều, cung ít nên mỗi người chỉ được chục bông, mua nhiều cũng không có.
Nhà vườn thất thu
Trong khi chị em túm tụm mua hoa, tranh thủ tạo dáng chụp hình, thì cánh đàn ông lại có thói quen tạt vào quán nhỏ bên hồ gọi ấm trà ủ sen nhâm nhi. Đây là cách làm mới của người trồng sen Quảng An nhằm mang vị trà có hương thơm của sen đến với đông đảo người dân. Không cầu kỳ và tốn kém như trà sen, trà ủ sen làm đơn giản và nhanh hơn bằng cách cho một nhúm trà khô loại ngon vào bông hàm tiếu và buộc lại. Trà xanh sẽ hút hương sen tự nhiên, sau một ngày ủ như vậy, có thể mở hoa ra, lấy trà và pha để thưởng thức.
Thế nhưng năm nay, theo ông Vũ Hoa Thảo – Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp Quảng An, do bông nhỏ lại phải phân phối cho nhiều nhu cầu nên hoa dùng để ủ sen chỉ bằng một phần của năm trước. Mỗi ngày chỉ được khoảng chục bông ủ trà là tối đa, nhiều tốp khách đến muộn, ngắm hồ Tây chiều tà không có cơ hội nhấp môi chén trà đượm hương.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thảo cho biết: thời tiết khắc nghiệt của những tháng mùa đông năm ngoái đã làm củ sen bị hỏng, hoa không đậu nhiều như mọi năm khiến số lượng bông thu hái giảm mạnh. Đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, các hội viên của HTX phải đối mặt với tình trạng bi đát như thế này. Lo nhất là các gia đình làm nghề ướp trà sen truyền thống của Quảng An bởi sản lượng hoa giảm ảnh hưởng đến lượng gạo trong bông. Đây là phần tinh túy nhất của sen dùng để tẩm ướp và làm nên thương hiệu trà sen hồ Tây – sản vật quý đất trời ban cho vùng đất Quảng An. Mỗi kg trà sen có giá trị lên đến cả triệu đồng. Các gia đình tranh thủ mùa sen lấy gạo để ướp trà, tiêu thụ quanh năm và đây mới là nguồn thu chính, mang lại lợi nhuận lớn, ổn định cho các gia đình. “Những năm trước, số lượng hoa lớn, chúng tôi làm không nghỉ mà nhiều khi, đến Tết trà sen còn cháy hàng, không có mà bán.
Năm nay, hoa kém cả về lượng và chất, gia đình làm cầm cự, lượng trà sen làm ra không nhiều, thu nhập chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng” – anh Dũng, một trong những hộ làm trà sen của HTX cho biết. “Từ nhiều năm trước, chúng tôi đã tính đến việc mua hoa ở các nơi khác để lấy nguyên liệu làm trà sen nhưng không thành công bởi hiếm có vùng đất nào có hoa đẹp và thơm như sen hồ Tây”.
Theo phunuthudo