Trong suốt ba năm qua, nhiếp ảnh gia Debbie đã đi tới nhiều nơi trên thế giới để ghi lại những trải nghiệm về tự kỷ trong nhiều bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế khác nhau. Tại Việt Nam, điểm dừng chân thứ 6 của hành trình, triển lãm “Nhìn - Picturing Autism Vietnam” lần đầu tiên trưng bày những bức chân dung khổ lớn về người tự kỷ và gia đình, được chụp tại 3 thành phố Hạ Long, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, triển lãm cũng trưng bày các những tác phẩm chụp tại New York, Mexico, Peru, Iceland và Indonesia, để khắc họa một cách chân thực nhất tự kỷ từ câu chuyện về những người đã và đang sống cùng tự kỷ ở khắp nơi trên thế giới, về những người cha mẹ luôn yêu thương những đứa con của họ ngay cả khi xã hội không muốn chấp nhận chúng, và vẫn tiếp tục sống.
Các bức ảnh trong triển lãm được trưng bày thành các khu vực theo từng quốc gia, trong đó nổi lên các chủ đề chính là trường học, gia đình, và tương lai của người tự kỷ. Khán giả tới xem triển lãm có thể nhìn ngắm, kết nối và có những trải nghiệm không ngờ khi mặt đối mặt với các bức ảnh về tự kỷ như các tác phẩm nghệ thuật.
Hình ảnh về trẻ tự kỷ tại triển lãm.
Không những là cơ hội để người tự kỷ và gia đình họ được ghi nhận, lắng nghe và thấu hiểu, triển lãm sẽ góp phần thu hút sự quan tâm và thấu hiểu từ cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ và những người đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, cũng như của những người làm truyền thông để truyền tải tới công chúng những hình ảnh, thông điệp đúng, nhân văn về tự kỷ và khuyết tật phát triển.
Trong buổi tọa đàm trước thềm khai mạc triển lãm, Debbie Rasiel đã chia sẻ về quá trình thực hiện bộ ảnh về người tự kỷ của cũng như chia sẻ về các vấn đề mà người tự kỷ ở Việt Nam đang gặp phải, cùng các giải pháp hiện tại với sự tham gia của gia đình có người tự kỷ, các chuyên gia trong lĩnh vực tự kỷ. Bà nói: “Việt Nam là nơi có trình độ học vấn cao, nhưng nhận thức về rối loạn phổ tự kỷ - một thách thức lớn về y tế trên thế giới - vẫn còn hạn chế. Khi tới Việt Nam, tôi chứng kiến quá nhiều trẻ em tự kỷ phải ở trong nhà và không có cơ hội được đi học. Đó là những đứa trẻ rất thông minh nhưng kỹ năng của các em chưa được phát triển.
Những đứa trẻ này, những thanh thiếu niên nam và nữ có tự kỷ, cũng là tương lai của Việt Nam. Rất nhiều em có tài năng, một số đã được phát triển, một số chưa được khai phá. Tôi thấy vinh dự vì đã được gặp họ, và tôi rất vui vì có cơ hội được giới thiệu họ với các bạn qua triển lãm này. Hơn hết, tôi mong muốn mang đến cho người xem có cơ hội được “Nhìn” và thấu hiểu cuộc sống của những người tự kỷ, các cung bậc cảm xúc và những thử thách mà họ đang phải trải qua. Việc chúng ta tôn trọng sự khác biệt sẽ giúp người tự kỷ hòa nhập với cuộc sống”.
Bà Vũ Song Hà, Phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe cộng đồng, người đồng hành với rất nhiều dự án về người tự kỷ ghi nhận: “Ở Việt Nam, trẻ tự kỷ, đặc biệt là trẻ lớn, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống vì dịch vụ của chúng ta dành cho trẻ lớn còn vô cùng ít ỏi. Chúng ta lúng túng chưa biết sẽ dạy nghề như thế nào cho các em, hỗ trợ các em ra sao để các em có thể sống độc lập. Bên cạnh đó, còn rất nhiều người trong xã hội do chưa hiểu rõ về tự kỷ nên có những định kiến, e ngại, kỳ thị đối với người tự kỷ. Điều đó cũng hạn chế sự tham gia của các em trong xã hội. Nhiều gia đình không còn lựa chọn nào khác là để các em ở nhà. Tương lai của các em thực sự là niềm trăn trở của các cha mẹ”.
Từ thực tế nêu trên, bà Song Hà hy vọng cuộc triển lãm sẽ giúp cho người xem cảm nhận được sự đa dạng của người tự kỷ, các cung bậc cảm xúc khác nhau của người tự kỷ và gia đình họ, cũng như những thách thức mà họ đang gặp phải. Việc chúng ta tôn trọng sự khác biệt sẽ giúp người tự kỷ hoà nhập tốt hơn trong cuộc sống. Đồng thời, chúng ta cũng suy nghĩ thêm về những điều cần làm để có thể đảm bảo tốt hơn quyền được chăm sóc, giáo dục và hoà nhập của người tự kỷ.