Anh Nguyễn Văn Phi hiện là bác sĩ điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và giảng viên Đại học Y Hà Nội. Với anh, việc trở thành bác sĩ tâm thần và người thầy đứng trên bục giảng như một cơ duyên.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê ngoại ô thành phố Việt Trì (Phú Thọ), anh Phi là người đầu tiên của làng được tuyển thẳng vào Đại học Y Hà Nội nhờ đạt giải nhì thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học năm lớp 11. Năm đó, anh được quyền lựa chọn nhiều chuyên ngành và chưa từng nghĩ sẽ trở thành bác sĩ chuyên khoa Tâm thần.
Anh Nguyễn Văn Phi là giảng viên, bác sĩ chuyên khoa Tâm thần, vợ là bác sĩ y học cổ truyền. Ảnh: NVCC.
Ý định theo chuyên ngành Tim mạch ngay từ những năm đầu đại học, anh Phi tham gia các nhóm nghiên cứu và tìm hiểu rất nhiều về chuyên ngành này.
“Tim mạch là chuyên ngành sáng giá nhất và Tâm thần ít được lựa chọn nhất khi đó. Tôi có nhiều thời gian được theo các thầy cô chuyên ngành Tim mạch, nhưng khi tiếp xúc với những bệnh nhân đặc biệt ở Viện Sức khỏe Tâm thần vào năm thứ năm, khi thấy mỗi khóa chỉ có 1-2 sinh viên theo học tâm thần, tôi nghĩ mình cần theo chuyên ngành này”, anh Phi nói. Quyết định của anh khiến thầy cô và bạn bè rất ngạc nhiên.
Đến nay, thầy giáo, thầy thuốc sinh năm 1987 đã có 5 năm làm việc trong "thế giới mà nhiều người cho là không bình thường". Thời gian không quá dài nhưng đủ để anh khẳng định bản thân đã không sai lầm khi chọn cho mình chuyên ngành “vừa nguy hiểm, vừa bị kỳ thị” này.
Anh Phi nhận định không một bác sĩ ở chuyên khoa nào phải dành vài tiếng đồng hồ chỉ để ngồi nghe những câu chuyện không có thật của bệnh nhân, dễ bị bệnh nhân đe dọa, hành hung, dễ phải cầm giấy triệu tập của công an và ra hầu tòa như bác sĩ tâm thần. Anh từng nhiều lần bị công an triệu tập để cam kết về tình trạng của phạm nhân là bệnh nhân của anh.
Khó khăn như vậy nhưng sự trân trọng từ nhiều người, trong đó có cả đồng nghiệp dành cho bác sĩ tâm thần như anh Phi không nhiều. “Người khác không mấy trân trọng, mình cũng vì thế mà thờ ơ thì bệnh nhân sẽ ra sao", người thầy thuốc không bao giờ dùng từ "điên" để nói về bệnh nhân trăn trở.
Mỗi thầy thuốc phải là một thầy giáo
“Nếu như thầy giáo là người giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên thì thầy thuốc cũng là thầy giáo và thực sự phải là thầy giáo”, anh Phi nói và khẳng định bất kỳ bác sĩ nào thực hiện đúng lời thề Hippocrates cũng sẽ sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức của mình cho thế hệ sau.
Ngay từ khi là bác sĩ nội trú, anh Phi đã làm công việc của một thầy giáo. Chính thức giảng dạy được 2 năm, tiếp xúc với sinh viên nhiều hơn, anh Phi càng thêm yêu quý công việc của mình. Để trở thành giảng viên thực thụ, ngoài việc không ngừng đọc và tìm hiểu những vấn đề mới, anh Phi phải học cách đứng trước đám đông, cách truyền đạt sao cho dễ hiểu. Thậm chí, anh phải học cả cách nói chuyện hài hước để gần gũi với sinh viên hơn.
Là một trong hai thầy giáo trẻ nhất, đồng thời là giáo vụ đại học, anh Phi có nhiều cơ hội tiếp xúc với sinh viên hơn các giảng viên trong bộ môn. Điều này vừa mang đến cho anh những lợi thế, vừa đem lại khó khăn.
Dễ gần gũi với sinh viên hơn nhưng ngược lại anh có thể bị sinh viên đánh giá thấp về năng lực bởi còn quá trẻ. “Nhiều sinh viên học liên thông ở tuổi 40-50. Họ luôn đặt nghi ngờ về khả năng chuyên môn của tôi. Điều đó khiến tôi luôn phải cố gắng để được mọi sinh viên tin tưởng”, thầy giáo 8X chia sẻ.
Một nữ bác sĩ nội trú của Viện Sức khỏe Tâm thần nhận xét anh Phi luôn biết cách nói chuyện, chia sẻ để gần gũi với mọi người. "Sự nhiệt tình của bác sĩ Phi để lại ấn tượng tốt ngay từ lần gặp đầu tiên, nên sinh viên lớn tuổi hay bệnh nhân đều đi đến thái độ tôn trọng", cô nói.
Anh Nguyễn Văn Phi (đứng giữa) khẳng định thầy thuốc cũng là một thầy giáo. Ảnh: NVCC.
Chữa bệnh cho chính sinh viên của mình và lời cảnh báo người trẻ
Anh Phi cho biết đang điều trị sức khỏe tâm thần cho hơn 10 sinh viên Đại học Y Hà Nội, trong đó có những sinh viên là học trò của anh. Chuyện học hành vất vả ở trường cùng vấn đề tình cảm và vật chất khiến nhiều bạn bị rối loạn cảm xúc trong thời gian nhất định.
Hàng ngày tiếp xúc với sinh viên, từng chữa trị cho chính sinh viên của mình cùng với việc tư vấn cho nhiều nhóm cộng đồng, anh Phi lo ngại với những vấn đề liên quan đến tâm sinh lý của giới trẻ. “Tôi cần đưa ra một lời cảnh báo với thế hệ trẻ khi ngày càng nhiều người trẻ nhập viện vì những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần”, anh Phi nói.
Với tư cách là thầy giáo, thầy thuốc, anh Phi khuyên các bạn trẻ nên sống chậm lại. “Cuộc sống của nhiều bạn trẻ hiện nay đầy đủ về vật chất hơn xưa nhưng thiếu trầm trọng về mặt cảm xúc. Các bạn đi quá nhanh nhưng không biết bao giờ mới đến đích”, anh Phi nhận định và mong các bạn trẻ dành nhiều thời gian hơn cho tâm hồn, cho niềm yêu thích của chính các bạn để hạn chế các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần.
Nói về dự định trong tương lai, anh Phi cho biết sẽ học lên tiến sĩ, nghiên cứu khoa học, điều trị ở viện và giảng dạy cho sinh viên y khoa. Bởi anh quan niệm là thầy thuốc tốt, chỉ có thể chữa trị cho một số người, nhưng là thầy giáo tốt, anh có thể giúp một thế hệ. Ngoài ra, anh sẽ tham gia nhiều hơn những hoạt động cộng đồng, phát triển dự án cá nhân với mục đích giúp mọi người có thể tìm hiểu, kiểm tra tâm lý của bản thân nhằm phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe.