Lao động trẻ em – Những con số đáng báo động
Báo cáo "Lao động trẻ em: Ước tính toàn cầu 2020, xu hướng và con đường phía trước", cảnh báo tiến độ hướng tới mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em đã bị ngừng trệ lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, đảo ngược xu hướng giảm trước đó. Trước đây, từ năm 2000 đến năm 2016, số lượng lao động trẻ em đã giảm 94 triệu.
Báo cáo đã chỉ ra mức tăng đáng kể về số lượng lao động trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 dù đối tượng này chỉ chiếm hơn 1/2 tổng số trẻ em toàn cầu. Số trẻ em trong độ tuổi 5-17 phải làm các công việc nguy hại – được định nghĩa là những công việc có thể gây tổn hại tới sức khỏe, sự an toàn và tinh thần của trẻ - đã tăng 6,5 triệu trẻ kể từ năm 2016, lên 79 triệu trẻ.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng, trên toàn cầu, tính đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 9 triệu trẻ em đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch. Một mô hình mô phỏng cho thấy con số này có thể tăng lên 46 triệu nếu trẻ em không được tiếp cận với các cơ chế an sinh xã hội thiết yếu.
Những cú sốc về kinh tế và trường học bị đóng cửa do đại dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc những lao động trẻ em có thể phải làm việc trong thời gian dài hơn hay với điều kiện làm việc tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, nhiều em khác có thể sẽ bị buộc làm việc trong những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất khi các gia đình thuộc diện dễ bị tổn thương phải đối mặt với tình trạng mất việc làm và giảm thu nhập.
Dưới đây là những con số khác đáng báo động của Báo cáo:
- 70% lao động trẻ em hiện làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (112 triệu trẻ), 20% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ (31,4 triệu trẻ) và 10% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (16,5 triệu trẻ).
- Gần 28% trẻ trong độ tuổi 5-11 và 35% trẻ trong độ tuổi 12-14 là lao động trẻ em và không được đi học.
- Lao động trẻ em là các trẻ em trai phổ biến hơn trẻ em gái ở mọi lứa tuổi. Nếu tính đến các công việc gia đình phải làm mất ít nhất 21 giờ mỗi tuần thì khoảng cách giới trong lao động trẻ em thu hẹp hơn.
- Tỷ lệ lao động trẻ em ở khu vực nông thôn (14%) cao gần gấp ba lần khu vực thành thị (5%).
Phải làm gì để giảm thiểu lao động trẻ em?
Ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO, cho biết. “An sinh xã hội toàn diện cho phép các gia đình tiếp tục cho trẻ em đến trường ngay cả khi kinh tế khó khăn. Cần thiết phải tăng mức đầu tư vào phát triển nông thôn và việc làm thỏa đáng trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta đang đứng trước một thời điểm then chốt, phụ thuộc rất lớn vào cách mà chúng ta ứng phó như thế nào. Đây là thời điểm cần có những cam kết và hành động mới để xoay chuyển tình thế và phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói và lao động trẻ em”.
Theo bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF, “Chúng ta đang trở nên yếu thế trong trận chiến chống lại lao động trẻ em, và năm vừa qua khiến cuộc chiến không hề dễ dàng hơn. Hiện chúng ta đang trải qua năm thứ hai với những lần phong tỏa toàn cầu, trường học đóng cửa, gián đoạn kinh tế, ngân sách bị thu hẹp, các gia đình bị buộc phải đưa ra những sự lựa chọn đau lòng. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ và các ngân hàng phát triển quốc tế ưu tiên đầu tư vào các chương trình có thể giúp đưa trẻ em ra khỏi lực lượng lao động và quay trở lại trường học và đầu tư vào các chương trình an sinh xã hội, giúp các gia đình tránh phải đưa ra lựa chọn này ngay từ đầu".
Lao động trẻ em khiến trẻ em có nguy cơ bị tổn hại về sức khỏe và tinh thần. Lao động trẻ em tước đi cơ hội học tập, hạn chế quyền và những cơ hội tương lai của trẻ, và tạo ra vòng luẩn quẩn giữa nghèo đói và lao động trẻ em từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Để đảo ngược xu hướng gia tăng lao động trẻ em, ILO và UNICEF kêu gọi: Các nước cung cấp an sinh xã hội đầy đủ cho tất cả mọi người, bao gồm phổ cập phúc lợi cho trẻ em. Tăng mức chi cho giáo dục có chất lượng và cho mọi trẻ em được đi học trở lại, bao gồm cả những em đã phải nghỉ học trước đại dịch Covid-19. Thúc đẩy việc làm thỏa đáng cho người trưởng thành để các gia đình không phải sử dụng trẻ em để bổ sung thêm thu nhập. Đồng thời, cần chấm dứt những quy tắc về giới có ảnh hưởng tiêu cực và tình trạng phân biệt đối xử có liên quan đến lao động trẻ em. Đầu tư vào các hệ thống bảo vệ trẻ em, phát triển nông nghiệp, các dịch vụ nông thôn công, cơ sở hạ tầng và sinh kế.